Quốc gia phát hành tiền giấy mới để kiềm chế tham nhũng
Giới chức lãnh đạo Nigeria tuyên bố 31/1/2023 là thời hạn cuối cùng các tờ tiền cũ còn được sử dụng hoặc gửi tại ngân hàng.
Nigeria đã ra mắt loại tiền giấy mới vào ngày 24/11. Đây là lần đầu tiên trong 19 năm qua nước này thiết kế lại tiền giấy. Những đồng naira mới mệnh giá 200, 500 và 1.000 dự kiến được lưu hành từ giữa tháng 12. Ngân hàng trung ương Nigeria cho biết động thái này sẽ góp phần kiềm chế lạm phát và rửa tiền.
Tại buổi ra mắt tiền giấy mới, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari nhấn mạnh chúng được thiết kế ở Nigeria và mang tính năng bảo mật nâng cao “giúp ngân hàng trung ương lên kế hoạch và thực hiện các mục tiêu chính sách tiền tệ tốt hơn”.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria Godwin cho biết trên 80% của 3,2 nghìn tỷ naira đang được lưu thông ở nước này nằm trong tay tư nhân và ngoài kho tiền của các ngân hàng thương mại.
Ông bổ sung rằng đồng tiền giấy mới sẽ đưa lượng tiền tích trữ trở lại hệ thống ngân hàng, giúp ngân hàng trung ương lấy lại năng lực kiểm soát lượng tiền được sử dụng trong nước. Ngoài ra, ông Emefiele nhận định việc thiết kế lại tiền tệ cũng sẽ hỗ trợ cuộc chiến chống tham nhũng vì việc di chuyển các khoản tiền đó từ hệ thống ngân hàng có thể được theo dõi dễ dàng.
Nhưng nhà phân tích Adedayo Bakare tại Money Africa (Nigeria) phân tích: “Nếu muốn hạn chế rửa tiền, hệ thống tài chính của bạn cần phải tốt hơn; nếu muốn hạn chế thanh toán tiền chuộc, an ninh cần phải tốt hơn; nếu muốn kiềm chế lạm phát, thì mức tăng tổng cung tiền trong nền kinh tế phải giảm tốc - vì vậy vấn đề không phải là tiền mặt”.
Ông Bakare cũng nhận định rằng động thái sử dụng đồng tiền giấy mới của ngân hàng trung ương Nigeria là “quá trình tốn kém gây khó khăn cho công chúng bởi khoảng thời gian để loại bỏ và sử dụng những đồng tiền cũ đang lưu thông quá ngắn với thời hạn chót là 31/1/2023.
Lạm phát tại Nigeria đang ở mức cao nhất 17 năm với 21.09%, bắt nguồn từ giá thực phẩm tăng. Theo thống kê của chính phủ Nigeria, khoảng 133 triệu người, tương đương 63% dân số nước này là người nghèo đa chiều.