Quốc gia thành viên 'khuyên' EU có kế hoạch B cho Ukraine

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng Liên minh châu Âu (EU) nên lập kế hoạch B vì Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng trên tiền tuyến.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu với phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hôm 26/10. Ảnh: AP

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu với phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hôm 26/10. Ảnh: AP

Theo Reuters, phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) ngày 27/10, Thủ tướng Orban nhận định rằng chiến lược của EU nhằm hỗ trợ tài chính và quân sự trong cuộc xung đột với Nga “đã thất bại".

"Hôm nay mọi người đều biết nhưng họ không dám nói thẳng rằng chiến lược này đã thất bại. Rõ ràng là nó không hiệu quả và người Ukraine sẽ không giành chiến thắng trên tiền tuyến" - ông Orban nêu rõ khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh nhà nước Hungary ngày 27/10.

Đồng thời, Thủ tướng Hungary lưu ý thêm rằng EU nên chuẩn bị kế hoạch B cho Ukraine vì Kiev không thể giành chiến thắng trên tiền tuyến.

Về việc hỗ trợ Ukraine, Thủ tướng Orban - người có quan điểm thân Nga – nói rằng ông không thấy có lý do gì để Hungary gửi tiền thuế dân đóng cho Ukraine.

EU sẽ quyết định việc điều chỉnh ngân sách 2021-2027, trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, EU vẫn chưa thống nhất được về những thay đổi trong ngân sách, trong đó có việc chi thêm 15 tỷ euro cho vấn đề di cư và hỗ trợ Ukraine 50 tỷ euro giai đoạn 2024-2027.

"Chúng tôi nhận thấy đề xuất này không phù hợp để làm cơ sở cho cuộc thảo luận nghiêm túc nên chúng tôi đã từ chối,” ông Orban cho hay.

Trước đó, ngày 26/10, Thủ tướng Orban cho biết ông “tự hào” về việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với Nga, đồng thời phản đối việc các quốc gia châu Âu khác ra sức tìm cách cô lập Moscow.

Phát biểu với phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hôm 26/10, ông Orban giải thích rằng chiến lược của Hungary liên quan đến chiến sự tại Ukraine hoàn toàn khác với phần lờn các thành viên EU khác.

“Chúng tôi có chiến lược hòa bình. Chúng tôi muốn nỗ lực hết mình để có được hòa bình. Vì vậy, chúng tôi luôn mở mọi đường dây liên lạc với Nga. Nếu không sẽ không có cơ hội cho hòa bình. Chúng tôi tự hào về chiến lược đó" - Thủ tướng Orban nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Hungary lưu ý thêm: "Chúng tôi là những người duy nhất lên tiếng thay mặt và ủng hộ hòa bình. Điều này có lợi cho tất cả mọi người ở châu Âu".

Gần đây, ông Orban vấp phải sự chỉ trích của các lãnh đạo phương Tây vì cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm 17/10, Thủ tướng Orban và Tổng thống Putin đã có cuộc gặp bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Hungary kể từ Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.

Tuy là thành viên của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Hungary phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine và không tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Thủ tướng Hungary từng tuyên bố, các biện pháp trừng phạt Moscow của phương Tây đã “phản tác dụng”, đồng thời cho rằng Brussels đã “tự bắn vào chân mình” vì việc áp cấm vận với dầu mỏ Nga khiến giá năng lượng tại châu Âu tăng vọt.

Trong bối cảnh đó, ông Orban có một đồng minh mới tại bàn hội nghị thượng đỉnh EU, đó là tân Thủ tướng Robert Fico của Slovakia. Ông Fico nhậm chức Thủ tướng Slovakia sau chiến thắng bầu cử đảng của ông vào tháng trước.

Tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố sẽ ủng hộ việc không viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: Getty

Tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố sẽ ủng hộ việc không viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: Getty

Tân Thủ tướng Fico đã cam kết chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và thúc đẩy việc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch. Ông cũng khẳng định sẽ không ủng hộ áp các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moscow nếu chúng gây tổn hại cho Slovakia.

Phát biểu tại cuộc họp của ủy ban quốc hội về các vấn đề châu Âu hôm 26/10, ông Fico tuyên bố rằng “với tư cách là Thủ tướng, tôi sẽ ủng hộ việc không viện trợ quân sự cho Ukraine”. Ông giải thích rằng quan điểm của chính phủ ông là “việc chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự là giải pháp tốt nhất cho Ukraine”.

Thủ tướng Slovakia kêu gọi EU chuyển mình từ “nhà cung cấp vũ khí thành nhà kiến tạo hòa bình”, đồng thời nhấn mạnh rằng Ukraine và Nga sẽ tốt hơn nếu đàm phán hòa bình trong 10 năm tới thay vì khiến người dân hai nước gánh thêm thương vong.

Ông cũng chỉ ra rằng khả năng Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ mới hợp nhất, bao gồm bán đảo Crimea, các nước cộng hòa ở vùng Donbass, tỉnh Kherson và Zaporozhye, là không thực tế - và thật ngây thơ khi kỳ vọng sẽ dồn ép một quốc gia hạt nhân bằng vũ khí thông thường.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quoc-gia-thanh-vien-khuyen-eu-co-ke-hoach-b-cho-ukraine.html