Quốc gia thành viên NATO phản đối kết nạp Phần Lan và Thụy Điển
Tổng thống Croatia cảnh báo sẽ chặn việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO nếu Mỹ và EU không đáp ứng các yêu cầu từ phía Zagreb.
Theo Russia Today, phát biểu trước các phóng viên ở thủ đô Zagreb hôm 26/4, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic tuyên bố nước này sẽ từ chối phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển, chừng nào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không gây đủ áp lực đối với nước láng giềng Bosnia & Herzegovina trong việc đảm bảo quyền bầu cử của nhóm dân số gốc Croatia.
“Quốc hội Croatia sẽ không phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ ai cho đến khi vấn đề về luật bầu cử ở Bosnia & Herzegovina được giải quyết, cho đến khi người Mỹ, người Anh, người Đức, nếu có thể và muốn làm như thế, buộc Sarajevo phải cập nhật luật bầu cử trong 6 tháng tới và cấp cho người Croatia các quyền cơ bản của họ”, ông Milanovic nói.
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu Croatia cũng nêu rõ, NATO không thể kết nạp thành viên mới nếu không có sự chấp thuận của toàn bộ các nước thành viên, đồng thời cho biết ông xem vai trò của Croatia ở thời điểm hiện tại như “một viên đạn bạc lịch sử”.
“Hãy để tổng thống hoặc ngoại trưởng Mỹ lắng nghe điều này ngay bây giờ. Hãy xem họ có thể làm gì đối với Croatia. Tôi cảm thấy đã quá đủ để họ phớt lờ và bỏ qua một thành viên của NATO và EU, và gạt Croatia ra rìa”, Tổng thống Milanovic nói, và tuyên bố nếu Mỹ và các đồng minh Tây Âu của họ muốn hai quốc gia khu vực Scandinavia gia nhập NATO, thì “họ sẽ phải lắng nghe Croatia”.
Bất bình lớn nhất hiện nay của Croatia là hệ thống bầu cử ở nước láng giềng Bosnia & Herzegovina. Zagreb nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật luật bầu cử để người gốc Croatia ở Bosnia & Herzegovina có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái ngược với thông lệ hiện tại là để các đại biểu người gốc Croatia được bầu bởi cộng đồng người Bosnia theo đạo Hồi chiếm số lượng lớn hơn.
Ngoài vấn đề Bosnia, ông Milanovic còn liệt kê một số điều khác mà Zagreb cho là bất bình đẳng, như việc EU từ chối chấp nhận Bulgaria và Romania tham gia hiệp ước đi lại xuyên biên giới Schengen, thiếu sự công nhận đối với Kosovo - nơi từng ly khai khỏi Serbia để trở thành một quốc gia độc lập, hay các cuộc đàm phán của EU với Albania và Bắc Macedonia đều không đạt tiến triển nào.
Croatia được NATO kết nạp năm 2009 và gia nhập EU năm 2013, thời điểm ông Zoran Milanovic còn làm thủ tướng. Dù vậy, không rõ động thái cảnh báo chặn việc mở rộng thành viên của NATO có thành hiện thực hay không, vì đảng Liên minh Dân chủ Croatia đối lập với đảng Dân chủ Xã hội của ông Milanovic đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội nước này.