Quốc gia Trung Đông buộc G7 từ bỏ ý định tịch thu tài sản của Nga?
Truyền thông Mỹ cho biết, Ả Rập Saudi 'bí mật ám chỉ' rằng nước này có thể bán một số trái phiếu của EU nếu G7 tiến hành kế hoạch tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga.
Tờ Bloomberg hôm 9/7 đưa tin nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể đã từ bỏ kế hoạch của Mỹ nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga do "lời đe dọa ngầm" từ Ả Rập Saudi.
Mỹ và Vương quốc Anh đang thúc đẩy việc tịch thu khoảng 280 tỷ USD từ các quỹ chính phủ của Nga mà phương Tây phong tỏa kể từ năm 2022 vì cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) - nơi đang nắm giữ phần lớn tài sản bị đóng băng của Nga - chưa đồng ý vì lo ngại đồng euro suy yếu trước phản ứng dữ dội có thể xảy ra.
Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Ả Rập Saudi ngầm báo hiệu rằng quốc gia Trung Đông này có thể bán một số trái phiếu của EU nếu G7 tiến hành kế hoạch tịch thu tài sản của Nga.
Một trong những nguồn tin ẩn danh của Bloomberg tiết lộ, thông điệp của Bộ Tài chính Ả Rập Saudi là “lời đe dọa ngầm”, trong khi hai nguồn tin khác nói rằng chính quyền Riyadh đề cập cụ thể đến trái phiếu kho bạc của Pháp.
Điều này có thể đã khiến G7 dừng ý định tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển số tiền lãi từ tài sản này thành các khoản vay cho Ukraine.
Tuy nhiên, bình luận về thông tin trên, Bộ Tài chính Ả Rập Saudi khẳng định “không có lời đe dọa nào như vậy được đưa ra”. “Quan hệ hợp tác giữa Ả Rập Saudi với G7 và các nước khác dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi tiếp tục thảo luận về tất cả vấn đề thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế” - Bộ Tài chính Ả Rập Saudi nhấn mạnh.
Một quan chức Ả Rập Saudi nói với Bloomberg rằng việc đưa ra những lời đe dọa như vậy không phải là "phong cách" của chính quyền Riyadh và Bộ Tài chính nước này có thể chỉ cảnh báo những hậu quả từ việc G7 tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga.
Vương quốc dầu mỏ hiện nắm giữ khoảng 135 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và một lượng trái phiếu euro không xác định. Theo các nguồn tin của Bloomberg, giới chức EU ít lo ngại hơn về tác động đối với trái phiếu của Pháp so với các quốc gia khác.
Việc phương Tây phong tỏa tài sản thuộc chủ quyền của Nga từ tháng 2/2022 là một động thái chưa từng có tiền lệ. Một số chuyên gia phương Tây cảnh báo không nên tịch thu tài sản của Nga, lưu ý rằng điều này có thể làm suy yếu đồng USD, euro và toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào được thực hiện đối với tài sản của Nga sẽ bị coi là hành vi trộm cắp và vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời đe dọa trả đũa. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, việc tịch thu tài sản Nga có thể được hiểu là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh.
Trước đó, hồi đầu tháng 6 vừa qua, tờ Financial Times trích dẫn một tài liệu thảo luận bị rò rỉ cho hay, Washington muốn EU đóng băng vô thời hạn tài sản chủ quyền của Moscow đang bị khối này nắm giữ.
Đổi lại, Mỹ sẵn sàng cho Ukraine vay 50 tỷ USD, và số tiền này sẽ được hoàn trả cho Washington bằng tiền lãi thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga, theo tờ Financial Times.
Tuy nhiên, quyết định như vậy cần có sự chấp thuận của tất cả lãnh đạo các nước thành viên, bao gồm cả Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người luôn chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch trừng phạt Nga của EU.
Cũng theo tờ báo Anh, Mỹ muốn EU duy trì các biện pháp trừng phạt đối với các quỹ nhà nước của Nga cho đến khi chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này được gia hạn 6 tháng một lần và chỉ được sửa đổi khi có sự đồng thuận.