Quốc gia Trung Mỹ tung 'nắm đấm sắt' với băng đảng
Chiến dịch truy quét các thành viên băng đảng của Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã hứng nhiều chỉ trích và gây ra lo ngại về việc nó có thể được nhân rộng ở Mỹ Latin.
Tám tháng kể từ khi Tổng thống El Salvador Nayib Bukele tuyên bố về cuộc chiến chống băng đảng, ước tính 2% dân số trưởng thành của nước này - tương đương khoảng 100.000 người - đang ngồi sau song sắt, theo CNN.
Cuộc trấn áp của ông Bukele trong năm nay đã đặt El Salvador vào tình trạng khẩn cấp kéo dài và nới lỏng các quyền hiến pháp quan trọng, chẳng hạn thủ tục tố tụng và quyền tự do liên kết.
Theo Tiziano Breda, một chuyên gia về Trung Mỹ tại Crisis Group, chính sách chống băng đảng mano dura hay “nắm đấm sắt” này dường như đang phát huy tác dụng, với tỷ lệ giết người giảm.
Nhiều quốc gia áp dụng
Bên cạnh đó, theo một cuộc khảo sát vào tháng 10 của CID Gallup tại 12 quốc gia Mỹ Latin, ông Bukele đang có tỷ lệ ủng hộ 86%. Điều đó khiến ông trở thành nhà lãnh đạo được yêu thích nhất trong khu vực, bất chấp nhiều chỉ trích liên quan đến chiến dịch ông đưa ra.
Tuy nhiên, những chuyên gia về khu vực cảnh báo rằng nhiều quốc gia khác có thể áp dụng biện pháp tương tự chính sách của ông Bukele - vốn được biết đến rộng rãi. Nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latinh cũng đã thực thi các biện pháp tương tự để giải quyết những vấn đề về băng đảng.
Jonathan D. Rosen, trợ lý giáo sư tại Đại học Thành phố New Jersey, cho biết lịch sử đã chỉ ra rằng các chính sách mano dura có thể phản tác dụng.
El Salvador là quê hương của một số băng đảng khét tiếng nhất thế giới, bao gồm Barrio 18 và MS-13.
Băng đảng MS-13 nổi lên ở Los Angeles vào những năm 1980, khi nhiều người nhập cư El Salvador trốn khỏi quê nhà trong bối cảnh nội chiến. Các chuyên gia cho biết băng đảng này đã kết nạp cả những người di cư Trung Mỹ khác, và vào những năm 1990, nhiều người đã bị trục xuất về nước của họ, gây ra sự bùng nổ bạo lực ở đó.
Các nhóm nhân quyền quan ngại rằng nỗ lực loại bỏ băng đảng cũng có thể gây ra nhiều hậu quả. Điều đó đã dẫn đến việc bắt giữ 58.000 người trong khoảng thời gian tháng 3-11, các nhà tù quá tải và quân sự hóa xã hội Salvador, khi các lực lượng tuần tra trên đường phố.
Bên cạnh đó, các nhóm nhân quyền và người dân nói rằng nhiều người đã bị bắt giữ tùy tiện, đôi khi dựa trên ngoại hình hoặc nơi họ sinh sống.
Với tình trạng khẩn cấp, quyền hội họp của người dân El Salvador sẽ bị hạn chế. Cảnh sát cũng sẽ có quyền bắt giữ các nghi phạm mà không cần lệnh của tòa án.
Vào ngày 3/12, cuộc chiến của ông Bukele với các băng đảng leo thang khi lực lượng an ninh “hoàn toàn bao vây” Soyapango - thành phố đông dân nhất đất nước.
Hình ảnh do chính phủ công bố cho thấy quân đội mang theo vũ khí hạng nặng, mũ bảo hiểm và áo chống đạn, di chuyển trên các phương tiện chiến tranh.
Juan Pappier, một nhà nghiên cứu cấp cao về châu Mỹ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói với CNN rằng các biện pháp được áp dụng ở Soyapango đã cản trở quyền tự do đi lại của người dân.
“Có một xu hướng ở Mỹ Latin rằng để giải quyết các mối lo ngại về an ninh rất nghiêm trọng, bạn cần phải đình chỉ các quyền”, ông nói.
Ông Pappier chỉ ra ví dụ về Chile, quốc gia đã kéo dài tình trạng khẩn cấp để đối phó với bạo lực ở miền Nam vào cuối tháng 11. Bên cạnh đó, chính phủ Ecuador cũng đã công bố các biện pháp tương tự để đối phó với bạo lực băng đảng ở nhà tù vào tháng 11.
Trong những tuần gần đây, nhà lãnh đạo Honduras Xiomara Castro đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng trong bối cảnh làn sóng bất bình về tình trạng tống tiền. Bà đã đình chỉ các quyền hiến định ở một số khu vực khi trấn áp các nhóm tội phạm.
Jamaica - nơi có tỷ lệ giết người cao nhất ở Caribe - đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên diện rộng hôm 13/12. Nước này cho phép lực lượng an ninh bắt giữ người và khám xét các tòa nhà mà không cần lệnh.
Mặt trái của tình trạng khẩn cấp ở El Salvador
Theo CNN, những chính phủ trước của El Salvador đã chứng kiến tình hình tồi tệ hơn khi áp dụng các biện pháp tương tự để trấn áp băng đảng.
Cựu Tổng thống Antonio Saca đã tiết lộ một kế hoạch được gọi là “siêu mano dura”. Theo đó, các nhà phân tích cho rằng việc bỏ tù hàng loạt đã dẫn đến việc các băng nhóm củng cố quyền lực của họ sau song sắt.
“Việc triển khai quân đội và cảnh sát để chống lại các băng đảng đã dẫn đến việc các băng đảng không chỉ đấu tranh với nhau mà còn với chính phủ. Năm 2015, El Salvador đã vượt qua Honduras để trở thành quốc gia bạo lực nhất thế giới, với tỷ lệ giết người là hơn 100/100.000 dân”, theo một nghiên cứu năm 2020 của ông Rosen.
Đất nước này đã chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng trong những năm gần đây so với thời nội chiến, ông Rosen cho biết thêm.
Theo một tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, chính quyền của ông Bukele bị cáo buộc cung cấp các ưu đãi tài chính cho MS -13 và Barrio 18 vào năm 2020 để “đảm bảo rằng các vụ bạo lực băng đảng và số vụ giết người được xác nhận vẫn ở mức thấp”.
Chính phủ của Bukele đã phủ nhận các cáo buộc này. Chia sẻ trên Twitter, ông Bukele mô tả đó là một “lời nói dối rõ ràng”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “bạo lực băng đảng là một vấn đề nghiêm trọng. El Salvador và Mỹ có nghĩa vụ nhất định trong việc đảm bảo rằng những tên tội phạm bạo lực này sẽ bị loại khỏi đường phố”.
“Đồng thời, chúng tôi đã thúc giục Tổng thống Nayib Bukele và chính quyền của ông giải quyết mối đe dọa về băng đảng theo cách tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, cũng như các quyền tự do cơ bản của người dân El Salvador”, vị này nói thêm.
Người phát ngôn nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng tình trạng khẩn cấp “là một chính sách không bền vững, điều làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về vi phạm nhân quyền, giam giữ tùy tiện và tử vong”.
Trong khi đó, theo ông Pappier, El Salvador hiện có những điều kiện hoàn hảo để chiêu mộ các thành viên băng đảng mới.
“Những người không liên quan đến các băng đảng đang bị bắt, ở trong tù và hoàn toàn bị tước đoạt kế sinh nhai. Đó là kiểu người hoàn hảo để chiêu mộ”, ông Pappier nói.
Trước nhiều chỉ trích từ một số phương tiện truyền thông và tổ chức phi chính phủ, ông Bukele nhận định họ không và chưa bao giờ quan tâm đến El Salvador.
“Họ sợ rằng chúng tôi sẽ thành công, bởi các chính phủ khác sẽ muốn bắt chước điều đó. Họ sợ sức mạnh của tấm gương”, ông nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quoc-gia-trung-my-tung-nam-dam-sat-voi-bang-dang-post1385464.html