Quốc hiệu và kinh đô cùng kể chuyện lịch sử Việt Nam

Triển lãm 'Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử' đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia và mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 10/2019.

Đây là triển lãm chuyên đề đầu tiên kể câu chuyện về quốc hiệu và kinh đô thông qua hơn 100 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến ngày nay được giới thiệu đến công chúng dịp này..

Các hiện vật, tư liệu, dấu tích kiến trúc là kết quả của quá trình khai quật, nghiên cứu khảo cổ học về các kinh đô cổ của Việt Nam; cho đến các bảo vật quốc gia quý hiếm như Trống đồng Cảnh Thịnh khác biệt hoàn toàn với trống đồng truyền thống. Trống đúc năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn (1800). Trống nặng 32 kg, cao 37,4 cm, đường kính mặt trống 54,3cm.

Trống đồng Cảnh thịnh trên thân có khắc bài minh văn dài 272 chữ bằng chữ Hán

Trống đồng Cảnh thịnh trên thân có khắc bài minh văn dài 272 chữ bằng chữ Hán

Nếu trống truyền thống có phình, thắt chia trống thành nhiều phần thì trống Cảnh Thịnh nở nhẹ ở giữa như một chiếc trống da. Mặt trống không có hình mặt trời mà có 2 vòng tròn nổi. Trên thân trống có khắc bài minh văn dài 272 chữ bằng chữ Hán nói về bà Nguyễn Thị Lộc - vợ của Tổng Thái giám Giao quận công, vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (1736) đã góp công đức lập chùa Linh Ứng (Gia Lâm, Hà Nội).

Đó còn là ấn bằng ngọc Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (1847) - ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập Bảo vật triều Nguyễn. Ấn không chỉ dùng trong đại lễ Tế Giao hàng năm ở đàn Nam Giao (kinh đô Huế) mà còn dùng để đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, và được coi là bảo tỷ truyền quốc. Hay các tư liệu mộc bản triều Nguyễn… nhờ sự chung tay, góp sức của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ mới có triển lãm chuyên đề này.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đất nước Việt Nam đã mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Với mỗi quốc gia, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại... biểu thị tính chính thống của một vương triều hay Chính phủ. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Quan trọng nữa là việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến - một cách thể hiện lòng tự tôn dân tộc như Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu (đất nước yên vui), Đại Nam, Việt Nam. Và qua từng thời kỳ, việc lựa chọn đất định đô (kinh đô - thủ đô) cũng đặc biệt được coi trọng, là nơi các hoàng đế và bá quan văn võ điều hành đất nước, tiếp đón, làm việc với các phái đoàn ngoại quốc.

Nhìn sâu hơn vào tiến trình lịch sử dân tộc, việc đặt quốc hiệu, xưng đế của các triều vua nước Việt với những quốc hiệu như Đại Cồ Việt hay Đại Việt còn để sánh ngang với Đại Tống, Đại Minh; Đại Nam để ngang hàng với Đại Thanh… Những lần thay đổi kinh đô cũng thể hiện sự cân nhắc sâu sắc để lựa chọn nơi thắng địa, chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Phát huy truyền thống dân tộc hào hùng, sau Cách mạng tháng Tám và đấu tranh thống nhất đất nước, Nhà nước ta đã lấy Quốc hiệu là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đặt Thủ đô tại Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Kể từ Quốc hiệu đầu tiên thời Hùng Vương là Văn Lang, Âu Lạc dưới thời An Dương Vương, Vạn Xuân dưới thời Lý Nam Đế, nhà Đinh với quốc hiệu Đại Cồ Việt, Lý Công Uẩn với Đại Việt… Kinh đô của người Việt vì thế cũng liên tục thay đổi theo để tương xứng với quốc hiệu và cách nhìn nhận của từng triều đại nước Việt.

Từ Phong Châu (Phú Thọ), đến Phong Khê (Cổ Loa), Mê Linh, Hoa Lư, rồi Thăng Long, vào đến Tây Đô, trở ra Thăng Long, vào Huế rồi lại trở ra Hà Nội. Thậm chí kinh thành Thăng Long là những câu chuyện lịch sử thật dài, thú vị. Nhà Lý gọi là thành Thăng Long, nhà Trần đổi thành Đông Đô, thời thuộc Minh mang tên Đông Quan thành, đến nhà Lê gọi là Đông Kinh, nhưng đến năm Gia Long thứ 4 đổi lại thành Thăng Long và hiện nay mang tên Hà Nội.

Đến với trưng bày lần này, công chúng vừa có cơ hội được tiếp cận một cách hệ thống và toàn diện, từ đó cái nhìn chân thực và đầy đủ về tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, bề dày văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, vừa được thưởng lãm những hiện vật, tư liệu, bảo vật quốc gia quý hiếm - những tư liệu, bằng chứng vật chất có giá trị lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh.

Bài và ảnh Tú Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quoc-hieu-va-kinh-do-cung-ke-chuyen-lich-su-viet-nam-89458.html