Quốc hội Anh giải tán trước thềm tổng tuyển cử
Ngày 30/5, Quốc hội Anh giải tán trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7, đánh dấu việc mọi hoạt động tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều chấm dứt trong khi tất cả các nghị sĩ tại Hạ viện sẽ rời bỏ ghế của mình.
Ngay sau khi đồng hồ điểm quá nửa đêm ngày 30/5, năm tuần vận động tranh cử tại Anh chính thức bắt đầu, 650 ghế thành viên Hạ viện được bỏ trống khi Quốc hội giải tán theo lịch bầu cử. Những chính trị gia muốn trở lại làm nghị sĩ sẽ phải đứng ra chạy đua lại với tư cách là ứng cử viên.
Cũng giống như các nghị sĩ khác, Chủ tịch Hạ viện cũng sẽ không còn là nghị sĩ sau khi Quốc hội giải tán và sẽ phải tiến hành ứng cử lại. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện vẫn chịu trách nhiệm quản lý Hạ viện vì người này vẫn là chủ tịch Ủy ban Hạ viện cho đến khi một chủ tịch mới được bầu.
Trong khi đó, các thành viên của Thượng viện vẫn giữ chức vụ của mình do họ được bổ nhiệm chứ không được bầu chọn. Tuy nhiên, tất cả hoạt động tại Thượng viện chấm dứt khi Quốc hội giải tán.
Mặc dù Quốc hội đã giải tán, chính phủ Anh vẫn hoạt động. Các bộ trưởng trong chính phủ sẽ tiếp tục lãnh đạo các cơ quan tương ứng của mình vì vai trò của họ khác với vị trí nghị sĩ. Tuy nhiên, họ bị hạn chế sử dụng danh hiệu nghị sĩ trong khoảng thời gian này.
Cuộc bầu cử được ấn định vào thời điểm các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Bảo thủ, với nhà lãnh đạo là Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak, có khả năng sẽ thua trước Công Đảng Anh, với nhà lãnh đạo là ông Keir Starmer, cựu giám đốc cơ quan công tố của Anh và lãnh đạo đảng kể từ tháng 4/2020.
Ngày 31/3, tổ chức nghiên cứu thị trường Survation công bố kết quả thăm dò ý kiến của 15.029 cử tri từ ngày 8 - 22/3 về cuộc tổng tuyển cử năm 2024 tại Anh. Kết quả cho thấy Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak có khả năng chỉ giành được chưa đến 100 ghế Hạ viện tại Anh, đồng thời mất toàn bộ ghế nghị sĩ tại Scotland và xứ Wales. Trong khi đó, Công Đảng Anh có thể sẽ giành chiến thắng vang dội với 468 ghế nghị sỹ.
Cũng theo kết quả khảo sát, Công Đảng Anh được dự đoán sẽ giành được 45% phiếu bầu trong khi Đảng Bảo thủ đứng thứ 2 với 26% số phiếu.
Ngoài việc xếp sau Công Đảng Anh trong các cuộc thăm dò dư luận, Đảng Bảo thủ cũng đang phải đối diện với khó khăn liên quan tới sự rời đi của nhiều nghị sĩ. Tính tới hiện tại, có tổng cộng 129 nghị sĩ đưa ra thông báo không tái tranh cử, trong đó có 77 thành viên Đảng Bảo thủ.
Nhằm gia tăng sự ủng hộ đối với đảng, Thủ tướng Rishi Sunak trong khuôn khổ chiến dịch tranh cử của mình đã đi tới nhiều khu vực trên đất nước và quảng bá Đảng Bảo thủ như một lựa chọn “an toàn”. Ngoài ra, ông cũng đưa ra những cam kết cải thiện dịch vụ quốc gia và đặc biệt là giảm thuế 3 tỷ USD cho những người đã về hưu nhằm thu hút số cử tri lớn tuổi.
Một yếu tố khác có thể giúp ông Rishi Sunak gia tăng sự ủng hộ cho Đảng Bảo thủ chính là việc tham gia vào cuộc tranh luận với ông Keir Starmer. Dự kiến cuộc tranh luận đầu tiên giữa 2 ứng cử viên sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ tối ngày 4/6 theo giờ địa phương.
Các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Thủ tướng trên truyền hình là một yếu tố quan trọng trong các chiến dịch tranh cử của Mỹ kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận trên truyền hình ở Anh chỉ diễn ra lần đầu tiên vào năm 2010 giữa các ứng viên Thủ tướng Gordon Brown, David Cameron và Nick Clegg.