Quốc hội Bắc Macedonia bắt đầu phiên họp để sửa đổi Hiến pháp quan trọng

Quốc hội Bắc Macedonia đã bắt đầu cuộc tranh luận kéo dài 10 ngày để thảo luận về một điểm thay đổi quan trọng trong Hiến pháp, trong đó nêu tên người Bulgaria trong số những dân tộc sáng lập đất nước - một đề xuất mà phe đối lập đang phản đối.

Quốc hội Bắc Macedonia. Photo: Euronews

Quốc hội Bắc Macedonia. Photo: Euronews

Dự luật sửa đổi Hiến pháp do chính phủ soạn thảo sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội trong 10 ngày. Để dự luật được thông qua, văn bản này sẽ cần sự ủng hộ của 2/3 tổng số nghị sĩ, tương đương với 80 trên tổng số 120 nghị sĩ.

Điểm quan trọng nhất của dự luật là việc công nhận người Bulgaria là một trong những dân tộc sáng lập đất nước. Bulgaria từng khẳng định đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để nước này nối lại các cuộc đàm phán gia nhập EU với Bắc Macedonia. Nếu không, tiến trình này sẽ có nguy cơ bị đình trệ một lần nữa bởi quyền phủ quyết của Bulgaria.

Nếu phe đa số do Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo cảm thấy tin tưởng rằng họ có thể giành được thế đa số hai phần ba, dự luật có thể được đưa ra biểu quyết ngay sau 10 ngày thảo luận tại Quốc hội. Nhưng vì phe cầm quyền dường như thiếu ít nhất 8 phiếu để đạt được ít nhất 80 phiếu ủng hộ, nên sẽ có thêm hai kịch bản nữa.

Trường hợp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội có thể tạm dừng phiên họp sau cuộc tranh luận và ấn định cuộc bỏ phiếu vào tháng 11, khi việc tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập EU theo lịch trình gây thêm áp lực lên phe đối lập, do đảng VMRO DPMNE cánh hữu lãnh đạo, buộc họ phải nhượng bộ.

Trường hợp thứ hai, cuộc bỏ phiếu về dự luật có thể diễn ra khi chính phủ và phe đối lập đồng ý về ngày tổ chức tổng tuyển cử sớm, điều mà phe đối lập đã yêu cầu trong năm qua.

Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ cho biết họ không quan tâm đến việc tổ chức các cuộc bầu cử sớm. Chính phủ đã nói với phe đối lập rằng một cuộc bỏ phiếu cho những sửa đổi Hiến pháp chính là một cuộc bỏ phiếu cho tư cách thành viên EU của đất nước, điều mà công dân của họ đã chờ đợi trong ba thập kỷ.

“Việc chấp nhận sửa đổi hiến pháp sẽ tùy thuộc vào việc chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU hay tạm dừng trong một thời gian dài hơn”, Bộ Ngoại giao viết trong một lá thư gửi tới tất cả các nghị sĩ.

Nhưng Chủ tịch đảng VMRO DPMNE Hristijan Mickoski tuyên bố với giới truyền thông ngay trước cuộc họp Quốc hội rằng họ sẽ không thay đổi lập lập trường sẽ chỉ xem xét khả năng thay đổi theo hai điều kiện: Trước tiên, EU phải đưa ra những đảm bảo rằng “thừa nhận một cách cách rõ ràng bản sắc, văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ của người Macedonia”. Điều này giải quyết mối lo lắng của nhiều người Macedonia rằng, trong khi Bulgaria công nhận Bắc Macedonia là một quốc gia, họ cũng tuyên bố rằng bản sắc và ngôn ngữ của người Macedonia có nguồn gốc từ tiếng Bulgaria. Điều này gây xúc phạm sâu sắc đối với nhiều người Macedonia.

Thứ hai, ông Mickoski cho biết Bulgaria cần thực hiện các phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu và công nhận cộng đồng thiểu số Macedonia ở nước này.

Chính phủ ở Sofia đã ngăn chặn các cuộc đàm phán gia nhập EU của Skopje vì tranh chấp lịch sử/danh tính chưa được giải quyết và vì những tuyên bố rằng có hơn 3.000 người Bulgaria ở Bắc Macedonia - đây là số người đã đăng ký là người Bulgaria trong cuộc điều tra dân số năm 2021 gần đây nhất của Bắc Macedonia.

Trong khi đó, Bulgaria không công nhận sự tồn tại của một cộng đồng thiểu số người Macedonia trên đất nước mình.

Trong hai thập kỷ qua, Bulgaria đã thua 14 vụ ở tòa án Strasbourg, liên quan đến khiếu nại của các nhà hoạt động Macedonian ở đó rằng họ không thể đăng ký bất kỳ hiệp hội hoặc đảng phái chính trị nào ở Bulgaria. Sofia khẳng định không tồn tại một nhóm thiểu số người Macedonian ở Bulgaria.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/quoc-hoi-bac-macedonia-bat-dau-phien-hop-de-sua-doi-hien-phap-quan-trong-i340739/