Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 17-6, với 92,34% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Luật sửa đổi qui định thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Như vậy, cháy rừng tự nhiên đã được bổ sung, xem là một loại thiên tai đặc thù theo ý kiến đa số đại biểu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cháy rừng có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai. Việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật lâm nghiệp, pháp luật PCCC.

Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết như nắng nóng, hạn hán kéo dài... thì nguy cơ cháy rừng lớn, ở mức độ cao (cấp IV- nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng và đồng thời ở nhiều tỉnh/thành phố.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật (ảnh: Quốc hội)

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật (ảnh: Quốc hội)

Các vụ cháy rừng lớn năm 2018, đầu năm 2019 đều có nguyên nhân từ nắng nóng, khô hạn kéo dài, diện tích cháy lớn, hàng trăm hec-ta, trong đó, có nhiều diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ; việc khống chế đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát PCCC trên địa bàn, có nơi phải sử dụng bộ máy của Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó.

Do vậy, cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng do nắng nóng, khô hạn kéo dài và các sự cố khác cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù.

Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai.

Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền.

Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền…

Luật cũng quy định Ngân sách nhà nước bảo đảm cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.

Có ý kiến đề nghị về thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai cần làm rõ quy định phải đủ độ tin cậy vì rất khó xác định, đánh giá; bổ sung quy định phải sử dụng thủ ngữ song song với ngôn ngữ quốc gia hoặc ngôn ngữ dân tộc.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, trong công tác dự báo thiên tai luôn có xác xuất rủi ro, phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị KH&CN; điều kiện thời tiết; năng lực, kinh nghiệm của người dự báo… nên quy định phải dự báo chính xác là rất khó khăn.

Việc sử dụng cụm từ “đủ độ tin cậy” thay từ “chính xác” phù hợp với nguyên tắc hoạt động dự báo khí tượng thủy văn, phù hợp với hoạt động của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), Tổ chức thủy văn quốc tế (IH0) khi yêu cầu về công tác dự báo...

Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quoc-hoi-ban-hanh-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-phong-chong-thien-tai-va-luat-de-dieu-197894.html