Quốc hội bước vào đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 10

Hôm nay (2/11), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bắt đầu bước vào đợt họp thứ 2 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội với các hoạt động quan trọng như chất vấn trả lời chất vấn, tiến hành công tác nhân sự...

Đợt 2 kỳ họp thứ 10 của Quốc hội bắt đầu từ ngày 2/11 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Đợt 2 kỳ họp thứ 10 của Quốc hội bắt đầu từ ngày 2/11 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Bàn thảo các vấn đề lớn liên quan dân sinh và phát triển kinh tế đất nước

Trong sáng nay, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020: phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội cũng thảo luận về dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Nội dung sửa đổi tập trung vào các vấn đề phòng, chống tội phạm về ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy.

Trong 3 ngày từ 3-5/11, các đại biểu họp tại hội trường để thảo luận những nội dung này. Phiên thảo luận tại Hội trường được phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn

Từ ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 .

Trước khi tiến hành chất vấn, các đại biểu sẽ nghe: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chánh án TANDTC trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Viện trưởng VKSNDTC trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan. Nội dung quan trọng này cũng sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Tiến hành công tác nhân sự

Một trong những nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét quyết định trong đợt hơp thứ 2 là công tác nhân sự. Theo chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do là ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ hai nhưng không báo cáo tổ chức và việc làm này thể hiện sự không gương mẫu, không chấp hành quy định của Đảng và tổ chức.

Trong đợt họp tập trung này, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ KH-CN và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Lê Minh Hưng.

Hiện ông Chu Ngọc Anh là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; còn ông Lê Minh Hưng đã được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Nhân sự giữ vị trí Bộ trưởng Bộ KH-CN (thay ông Chu Ngọc Anh) và Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm vào ngày 12/11. Cùng ngày, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình có Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán TAND tối cao.

Liên quan nhân sự tại Bộ Y tế, tại Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 7/7/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho ông Nguyễn Thanh Long. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chỉ định ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/quoc-hoi-buoc-vao-dot-hop-thu-2-cua-ky-hop-thu-10-170627.html