Quốc hội 'chốt' chỉ tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho 5 năm tới
Dù còn đại biểu Quốc hội băn khoăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 ở mức 6,5-7% đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Cuối phiên họp chiều 27/7, 475/477 đại biểu Quốc hội có mặt (95,59%) đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Với việc thông qua nghị quyết, Quốc hội đã chốt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chiến lược vaccine toàn diện đang được triển khai.
“Chính phủ đang xây dựng chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trên cơ sở cân đối các nguồn lực. Việc đề xuất các chỉ tiêu như dự thảo nghị quyết đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đã tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế”, ông Thanh nêu lý do Quốc hội giữ nguyên mức chỉ tiêu tăng trưởng.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 5 năm, Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội.
Quốc hội quyết nghị phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Quốc hội cũng đề ra mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, đến năm 2025, Quốc hội yêu cầu phải cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đối với một số tuyến đường ven biển cấp thiết từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Chính phủ rà soát, tính toán kỹ việc bố trí vốn đầu tư, có giải pháp phù hợp để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư.
Đồng thời, việc xây dựng các cảng biển quan trọng được tiếp tục theo quy hoạch; sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động; trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao; tăng cường kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực.
Song song với đó, Quốc hội nêu rõ cần đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.