Quốc hội có nhiều đổi mới quan trọng trong cách thức điều hành

Trong công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ này, Quốc hội có nhiều điểm cải tiến, đổi mới. Đặc biệt có những đổi mới, tuy không chính thức nằm trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng là sự đổi mới rất quan trọng trong cách thức điều hành. Đây chính là nội hàm của quan điểm chỉ đạo 'chuẩn bị từ sớm, từ xa' được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt đổi mới

- Thích ứng linh hoạt với tình hình, năm qua, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều nỗ lực, cải tiến, đổi mới, bắt nhịp với diễn biến nhanh của thực tiễn cuộc sống, đưa ra nhiều quyết đáp quan trọng, chưa có tiền lệ. Với Ủy ban Pháp luật, đâu là những kết quả nổi bật nhất, thưa ông?

- Năm qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Hà Nội và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật Khóa XIV và Khóa XV đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt đổi mới phương thức làm việc để tổ chức triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ủy ban đã tổ chức 6 phiên họp toàn thể trong năm 2021, trong đó có 3 phiên trực tuyến. Ủy ban Pháp luật Khóa XV cũng là cơ quan đầu tiên của Quốc hội tổ chức thành công Tọa đàm bằng hình thức trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với sự tham dự nhiệt tình, trách nhiệm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, luật sư... Bên cạnh đó, 2021 cũng là năm mà số lượng công việc phát sinh, đột xuất rất lớn, nhiều việc phức tạp với tiến độ gấp, song Ủy ban, Thường trực Ủy ban đều cố gắng hoàn thành bảo đảm đúng tiến độ, có chất lượng.

Nhìn tổng thể, tuy năm 2021 có nhiều khó khăn và có sự chuyển giao nhiệm kỳ giữa Ủy ban Pháp luật Khóa XIV với Ủy ban Pháp luật Khóa XV, nhưng các thành viên Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật Khóa XIV, kể cả các đại biểu không tái cử, tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực trong công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, đúng thời hạn và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV, vào thành công của Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngay sau khi được kiện toàn về tổ chức, hoạt động của Ủy ban và Thường trực Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV đã từng bước ổn định. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, khối lượng công việc đặt ra cho Ủy ban và Thường trực Ủy ban là tương đối lớn, yêu cầu cao về chất lượng, thời hạn khẩn trương. Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra để Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới 2021 - 2025; thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trình Quốc hội thông qua; tại Kỳ họp thứ 2, thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Thường trực Ủy ban tích cực giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động giám sát chuyên đề “Về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021”. Đặc biệt, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội hoàn thành việc xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV trình Bộ Chính trị đúng thời hạn; triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng 4 chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo trung ương. Trong đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật được giao là cơ quan thường trực, trực tiếp giúp Tiểu ban số 1 của Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề số 09 về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”…

- Thưa ông, công tác xây dựng pháp luật là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Là cơ quan được giao nhiệm vụ “gác cổng” trong lĩnh vực pháp luật của Quốc hội, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, công việc này đã được thực hiện như thế nào? Và đâu là điểm mới nổi bật nhất?

- Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ, năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây cũng là năm mà các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới về quy trình lập pháp, đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Điểm mới nổi bật nhất, đó là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành Kết luận (số 19-KL/TW ngày 14.10.2021) về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, tích cực triển khai từ sớm, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ mới.

Kết luận của Bộ Chính trị thông qua Đề án do Đảng đoàn Quốc hội trình về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đề ra 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, 137 nhiệm vụ lập pháp nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, thể chế phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Thường trực Ủy ban Pháp luật đã kịp thời tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án; ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.11.2021 để thống nhất triển khai.

Đây là những định hướng và giải pháp rất quan trọng. Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, các nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án và Kế hoạch số 81, các cơ quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, kịp thời triển khai nghiên cứu, tổng kết, rà soát theo đúng tiến độ để kiến nghị cụ thể việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.

Nhiều điểm mới không có trong quy trình, nhưng hiệu quả lớn

- Về những cải tiến, đổi mới cụ thể trong hoạt động lập pháp, ông ấn tượng với cải tiến, đổi mới nào nhất?

- Trong công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ này, Quốc hội có nhiều điểm cải tiến, đổi mới, đặc biệt có những đổi mới không nằm trong quy trình, nhưng tác dụng mang lại rất lớn. Ví dụ, khi các dự án luật, nghị quyết được Chính phủ, các cơ quan trình sang Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đều tổ chức các cuộc làm việc để nghe các cơ quan báo cáo, đánh giá bước đầu về dự án, những vấn đề lớn, quan trọng... Qua ý kiến của các cơ quan đặt ra khá nhiều vấn đề, từ nội dung như báo cáo tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ chưa, phạm vi điều chỉnh, các chính sách lớn của dự án, việc thể chế hóa chủ trương, các nghị quyết của Đảng đến những vấn đề về kết cấu bố cục văn bản, nội dung các điều khoản, quy định chuyển tiếp, hiệu lực… Sau đó, Chủ tịch Quốc hội kết luận, làm cơ sở cho các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án.

Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của cách làm này mang lại rất rõ nét, giúp nâng cao chất lượng dự án ngay từ khâu chuẩn bị, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, và đến khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật cơ bản nhận được sự đồng thuận cao.

Rõ ràng, tuy không chính thức nằm trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tôi cho rằng, đây là sự đổi mới rất quan trọng trong cách thức điều hành. Nói cách khác, đây chính là nội hàm của quan điểm chỉ đạo “chuẩn bị từ sớm, từ xa” được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Việc hiện thực hóa quan điểm “chuẩn bị từ sớm, từ xa” đã góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống hiện nay.

- Quan điểm chuẩn bị từ sớm, từ xa được hiện thực hóa như thế nào với các công việc của Ủy ban Pháp luật trong năm qua, thưa ông?

Truyền thống của Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật được kế thừa và phát huy qua các nhiệm kỳ là mọi công việc đều phải được chuẩn bị kỹ, có kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể, đề cao trách nhiệm cá nhân gắn với phát huy trí tuệ tập thể của Thường trực Ủy ban, Ủy ban. Mỗi nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban do một Phó Chủ nhiệm phụ trách căn cứ vào lĩnh vực, công việc được giao chủ động lập kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức triển khai. Đối với công tác xây dựng pháp luật càng phải làm kỹ, vì Ủy ban Pháp luật là cơ quan được giao nhiệm vụ “gác cổng” về lĩnh vực pháp luật của Quốc hội. Ở đây có mặt thuận lợi là Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm sau được Quốc hội thông qua từ kỳ họp giữa năm của năm trước, do đó Thường trực Ủy ban chủ động đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo “vào cuộc” từ đầu để trao đổi, nắm vấn đề, tham gia giải quyết các vướng mắc đặt ra. Khi cần thiết, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm phụ trách dự án trực tiếp làm việc với lãnh đạo cơ quan soạn thảo, báo cáo Lãnh đạo Quốc hội xin ý kiến chỉ đạo. Vì vậy, hầu hết các dự án luật do Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra đến khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đều có sự thống nhất cao giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; những vấn đề còn ý kiến khác nhau được hai bên trao đổi kỹ trong quá trình thẩm tra, hiểu rõ sự khác biệt trong quan điểm của từng bên để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.

Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là xuôi chiều, mà phải bảo đảm tính phản biện, cọ xát để tìm ra phương án tối ưu nhất trong điều kiện thực tế. Việc xử lý dứt điểm những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã tạo điều kiện để chúng tôi có thêm thời gian cho những công việc khác.

Hiện nay, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đôn đốc, nghiên cứu, rà soát các luật theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây cũng là việc rất mới, được chuẩn bị từ sớm, từ xa nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành luật, giúp Quốc hội ngày càng chủ động hơn trong công tác lập pháp.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Phương thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-co-nhieu-doi-moi-quan-trong-trong-cach-thuc-dieu-hanh-ba6jg6xspp-79174