Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực lên 90 ngày
Thời hạn tạm trú với người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được nâng từ 15 lên 45 ngày.
Sáng 24/6, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có hiệu lực từ 15/8/2023.
Theo luật vừa được thông qua, thời hạn thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam được nâng từ 30 lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Quốc hội cũng đồng ý nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Lê Tấn Tới cho rằng, việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch.
Bên cạnh đó, quy định này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Miễn thị thực không phải là đũa thần
Còn theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử cũng nhằm thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, phù hợp với xu hướng du lịch quốc tế. Hiện các nước như Thái Lan, Singapore đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú từ 45 ngày đến 90 ngày.
Là chuyên gia du lịch lâu năm, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết rất phấn khích khi đón nhận thông tin này và sẽ thông báo ngay với đối tác nước ngoài để tạo nhiều trải nghiệm, nhiều nước một hành trình, nhiều điểm đến đi tour và nghỉ biển.
Ông Hà đánh giá việc kéo dài thời hạn thị thực là “đúng lúc, đúng thời điểm. Người làm du lịch như chúng tôi chờ đợi chính sách thị thực thông thoáng này từ rất lâu rồi”.
“Khách hàng của chúng tôi phần lớn là khách trung và cao cấp, khách già nghỉ hưu, đi lâu, ở dài, nên đây là cú hích tốt và công ty kỳ vọng tăng ít nhất 30% doanh thu mùa du lịch tới cao điểm từ tháng 9”, ông Hà chia sẻ.
Bên cạnh việc kéo dài thời hạn thị thực, luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; việc cấp thị thực điện tử; thẩm quyền quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử.
Luật quy định người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú.
Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi người nước ngoài tạm trú.
Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định.