Quốc hội giám sát 'truy đến cùng', làm rõ trách nhiệm
Đánh giá cao kết quả giám sát của Quốc hội thời gian qua, nhiều ý kiến đề nghị cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải.
Sáng 27/9 tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
Giám sát “đúng”, “trúng” vấn đề
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho hay, năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã tích cực tham gia 2 đoàn giám sát: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Thông qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã đánh giá và nêu ra những sai phạm phổ biến trên một số lĩnh vực như: quản lý đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm. Đồng thời, nêu rõ hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo, có so sánh với cùng kỳ; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và kết quả đạt được trong công tác này.
“Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề được dư luận xã hội và cử tri, nhân dân cả nước quan tâm”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh “đoàn giám sát đã truy tới cùng việc làm lãng phí trong đầu tư công, sử dụng ngân sách…”.
Bên cạnh nhất trí với các chuyên đề mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát trong năm 2023, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.
“Cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải”, ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì còn tình trạng cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo theo yêu cầu, chưa nghiêm túc thực hiện một số kiến nghị giám sát, yêu cầu tại các kết luận, nghị quyết về giám sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát cũng chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên...
Đối với các đơn thư chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khi hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, Ủy ban Pháp luật đều có công văn đôn đốc việc giải quyết, tuy nhiên, một số cơ quan vẫn chưa có văn bản trả lời.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại trong hoạt động giám sát thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh việc đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
“Việc lựa chọn nội dung giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc có tính thời sự của đất nước, được cử tri, nhân dân quan tâm; đồng thời, cần xác định rõ trọng tâm trong từng nội dung giám sát” – Ủy ban Pháp luật kiến nghị, đồng thời lưu ý cách thức tổ chức cần tránh gấy phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát.
Cần giám sát đầu tư công, giải phóng mặt bằng
Đánh giá công tác giám sát tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, nét mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 so với trước đây đó là trong các đơn vị được giám sát có Thường trực HĐND Thành phố. Qua đó, cơ quan dân cử ở địa phương phải tự rà soát, đánh giá theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn và chuẩn bị báo cáo cụ thể cho từng chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy vậy, hiệu quả công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết, thi hành luật. Một vài nội dung giám sát còn tình trạng dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát...
Cơ chế giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn hạn chế mới bước đầu được thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả, trong một số trường hợp chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của chủ thể chịu sự giám sát.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị trong Báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (quá trình giám sát cần tập trung vào các dự án trọng điểm, những vấn đề cốt lõi đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chương trình, nghị quyết của Quốc hội” – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM đề xuất.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng bày tỏ nhất trí cao với các nội dung chương trình giám sát theo Nghị quyết số 47/2022/QH15 của Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những nội dung giám sát đều là những nội dung rất lớn, quan trọng, trúng, đúng, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Cơ quan này cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát, từng bước cụ thể hóa địa vị pháp lý của Đoàn giám sát, khảo sát trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đoàn giám sát.
Bên cạnh đó cần chỉ đạo điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đảm bảo hài hòa, thống nhất về thời gian đối với các cơ quan của thành phố Hà Nội./.