Quốc hội Hàn Quốc nhất trí luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol: 'Nhà Xanh' trong tâm bão

Các nhà lập pháp Hàn Quốc hôm 14/12 đã bỏ phiếu thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vì cho rằng việc nhà lãnh đạo này áp đặt thiết quân luật hôm 3/12 là vi hiến. Ông Yoon đang đối diện thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình và cũng chưa biết phía trước còn những bão dông nào sẽ ập đến.

Đảng PPP của tổng thống Yoon cũng ủng hộ luận tội

Với 204 phiếu thuận, 85 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ trên tổng số 300 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, Quốc hội Hàn Quốc hôm 14/12 đã đạt được mức 2/3 số phiếu tán thành của các thành viên để thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vốn do phe đối lập đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik tuyên bố thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ảnh: Yonhap.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik tuyên bố thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ảnh: Yonhap.

Trước đó, vào ngày 4/12, một nhóm gồm 6 đảng là đảng Dân chủ Hàn Quốc, đảng Đổi mới Tổ quốc, đảng Cải cách mới, đảng Tiến bộ, đảng Thu nhập cơ bản và đảng Dân chủ Xã hội, đã đệ trình lên Quốc hội Hàn Quốc dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vì cho rằng nỗ lực áp đặt thiết quân luật của ông đêm 3/12 (ông Yoon đã phải thu hồi lệnh thiết quân luật chỉ 6 tiếng sau khi ban hành) là vi hiến.

Thời điểm đó, dự luật của phe đối lập đã không thể thông qua do các nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông Yoon bất ngờ rời khỏi phòng họp, khiến cuộc bỏ phiếu phải hoãn lại. Nhưng, ở lần đệ trình tiếp theo, họ đã thành công nhờ vào việc đảng PPP đã thay đổi quan điểm. Chính Chủ tịch PPP, ông Han Dong-hoon đã kêu gọi những thành viên đảng này tham gia bỏ phiếu để “chấm dứt sự rối ren” trong chính trường. “Chúng tôi đã cố gắng tìm ra một cách tốt hơn là luận tội, nhưng mọi cách khác đều không hợp lệ”, ông Han Dong-hoon cho biết, đồng thời khẳng định các nghị sĩ PPP được tự do bỏ phiếu theo “niềm tin và lương tâm của họ”.

Nhờ tín hiệu đèn xanh ấy của đảng PPP mà phe đối lập - vốn chỉ nắm giữ 192 ghế tại Quốc hội - đã có thêm nhiều hơn 8 phiếu thuận cần thiết từ các nhà lập pháp của đảng PPP, để thành công trong việc thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Với kết quả này, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ lập tức bị đình chỉ chức vụ để chờ Tòa án Hiến pháp xem xét vụ việc. Thủ tướng Han Duck-soo sẽ đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống trong thời gian ông Yoon chờ đợi phán quyết.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối diện khúc cua khó khăn nhất của sự nghiệp. Ảnh: Aaj.tv.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối diện khúc cua khó khăn nhất của sự nghiệp. Ảnh: Aaj.tv.

Theo ghi nhận của BBC, các cuộc biểu tình trên đường phố để phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chuyển sang ăn mừng khi có tin tức rằng dự luật luận tội nhà lãnh đạo 63 tuổi này được thông qua. Nhưng, ở “bên kia chiến tuyến”, tại một cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol ở quảng trường Gwanghwamun (trung tâm Seoul), lại chứng kiến một câu chuyện khác. Những người ủng hộ ông Yoon lặng người sau khi nghe tin về cuộc bỏ phiếu. Một số người đã thốt ra những lời lăng mạ tức giận trước khi rời khỏi hiện trường.

Quá trình luận tội diễn ra thế nào?

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, sau khi Quốc hội thông qua dự luật luận tội tổng thống, ông Yoon sẽ bị đình chỉ chức vụ nhưng chưa bị phế truất cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc xem xét và tán thành cuộc bỏ phiếu luận tội. Tòa án Hiến pháp có tối đa 6 tháng để quyết định liệu ông Yoon có phạm tội và liệu những tội đó có đủ nghiêm trọng để ông bị phế truất hay không. Cơ quan này sẽ quyết định việc luận tội bằng một cuộc bỏ phiếu và cần ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán tán thành thì quyết định luận tội Tổng thống Yoon mới có hiệu lực.

Trong trường hợp ông Yoon bị phế truất, một cuộc bầu cử tổng thống bất thường sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Ngược lại, nếu các thẩm phán bác bỏ dự luật luận tội, Tổng thống Yoon sẽ được phục chức, giống như trường hợp của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người bị Quốc hội luận tội năm 2004 nhưng sau đó được phục chức để tiếp tục tại vị đến hết nhiệm kỳ.

Lúc này ủng hộ dành cho ông Yoon đã giảm mạnh, xuống còn 11% theo cuộc thăm dò mới nhất do Viện Gallup Korea tiến hành. Đây là mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi tại nhiệm của Tổng thống Yoon - một nhiệm kỳ được đánh dấu bằng sự phân cực chính trị sâu sắc, các vụ bê bối liên quan đến vợ ông và xung đột gần như liên tục giữa chính phủ của ông và Quốc hội do phe đối lập nắm quyền kiểm soát. Sau khi ông Yoon ban bố thiết quân luật, làn sóng biểu tình phản đối đã lan rộng khắp Hàn Quốc và ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức. Trong trường hợp ông Yoon thuận theo mong muốn này, Hàn Quốc cũng phải bầu ra một tổng thống mới thay thế cho tổng thống tạm quyền trong vòng 60 ngày.

Ông Lee Jae-myung (đứng giữa), Chủ tịch đảng DPK đối lập, là người dẫn đầu nỗ lực luận tội ông Yoon. Ảnh: New York Times.

Ông Lee Jae-myung (đứng giữa), Chủ tịch đảng DPK đối lập, là người dẫn đầu nỗ lực luận tội ông Yoon. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, khả năng ông Yoon từ chức dường như không cao khi mà phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội hôm 14/12, nhà lãnh đạo 63 tuổi này đã thề sẽ đấu tranh tại tòa để giành lại quyền lực, ngay cả khi cơ quan cảnh sát và công tố đang tiến gần đến ông với những cáo buộc hình sự. Ngày 9/12, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ra lệnh cấm xuất cảnh với ông Yoon để phục vụ công tác điều tra vụ ông ban bố thiết quân luật.

Trong khi đó, theo hãng tin Yonhap, Giám đốc Văn phòng Điều tra chống tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) hôm 11/12 tuyên bố cơ quan này sẽ “thực hiện lệnh bắt giữ khẩn cấp hoặc bắt giữ theo lệnh của tòa án” với ông Yoon nếu đủ điều kiện. Cảnh sát cũng thực hiện 2 cuộc khám xét “Nhà Xanh” (tức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) vào các ngày 11 và 12/12 nhằm thu thập thêm tài liệu cho cuộc điều tra nhằm vào ông Yoon.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo các nhà phân tích chính trị, việc nhiều thành viên đảng PPP cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol bỏ phiếu tán thành dự luật luận tội ông cho thấy nhà lãnh đạo này đã đánh mất những sự ủng hộ cuối cùng và quan trọng nhất để bảo vệ sự nghiệp chính trị của mình.

Từ chỗ là ngôi sao đang lên của đảng và là một chính trị gia tay ngang đầy ấn tượng, cựu Công tố trưởng Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đẩy mình vào nguy cơ trở thành tổng thống thứ hai của đất nước bị Tòa án Hiến pháp phế truất. Người thứ nhất, cựu Tổng thống Park Geun-hye đã mất chức năm 2017 vì cuộc điều tra chống tham nhũng do... chính ông Yoon tiến hành.

Nếu Hàn Quốc phải tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới thay ông Yoon Suk Yeol ngay vào lúc này, ứng cử viên sáng giá nhất đang được nhiều chuyên gia nhận định là Lee Jae-myung, Chủ tịch đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) đối lập - đảng dẫn đầu trong nỗ lực vận động cho dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Theo Báo Wall Street Journal, một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Lee Jae-myung đã lên tới 52%.

Người biểu tình giương biểu ngữ kêu gọi luận tội Tổng thống tại Seoul, ngày 14/12. Ảnh: New York Times.

Người biểu tình giương biểu ngữ kêu gọi luận tội Tổng thống tại Seoul, ngày 14/12. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, ông Lee - người đã thua sít sao trước ông Yoon trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, vẫn đang từ chối cho biết liệu ông có tái tranh cử hay không. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, cựu luật sư về quyền lao động 59 tuổi này chỉ nhấn mạnh quyết tâm lật đổ Tổng thống Yoon, người mà ông mô tả là mối đe dọa đối với trật tự hiến pháp của Hàn Quốc.

Đảng PPP cầm quyền dĩ nhiên không muốn phe đối lập soán ngôi. Hy vọng của họ lúc này đặt nhiều vào tài lèo lái đất nước của Thủ tướng Han Duck-soo, người đã trở thành quyền Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian ông Yoon chờ phán quyết. Ông Han sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là duy trì hoạt động của chính phủ trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất của đất nước trong vòng 4 thập kỷ qua.

Là một chuyên gia kỹ trị giàu kinh nghiệm, ông Han Duck-soo có sự nghiệp đa dạng và danh tiếng vượt ra ngoài ranh giới của đảng PPP. Nhà lãnh đạo 75 tuổi này từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong hơn 3 thập kỷ dưới thời 5 vị tổng thống khác nhau, cả bảo thủ và tự do, như Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại, Thư ký Tổng thống phụ trách điều phối chính sách, Thủ tướng, Đại sứ Hàn Quốc tại tổ chức OECD.

Với bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Harvard, chuyên môn của ông Han về kinh tế, thương mại và ngoại giao cũng như danh tiếng về sự lý trí, thái độ ôn hòa và làm việc chăm chỉ đã khiến ông trở thành người thường xuyên được các bên tìm đến trong nền chính trị nhiều chia rẽ của Hàn Quốc. Nhiều người Hàn Quốc kỳ vọng, ông Han sẽ đem đến sự dung hòa cần thiết cho chính trường, để nước này tập trung trở lại với bài toán tăng tốc nền kinh tế vốn đang chậm lại đáng kể.

Hiện tại, phe đối lập tại Hàn Quốc cũng đang đệ đơn khiếu nại để điều tra ông Han Duck-soo vì không ngăn chặn được nỗ lực áp dụng thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Trong trường hợp Quốc hội quyết định luận tội ông Han, Bộ trưởng Tài chính sẽ là người tiếp theo trong số các thành viên nội các giữ chức quyền tổng thống. Những diễn biến trên chính trường Hàn Quốc, vì thế được đánh giá là vẫn còn rất khó lường, bất kể Tổng thống Yoon Suk Yeol được phục chức hay bị phế truất khỏi vị trí “ông chủ” Nhà Xanh.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/quoc-hoi-han-quoc-nhat-tri-luan-toi-tong-thong-yoon-suk-yeol-nha-xanh-trong-tam-bao-i753813/