Quốc hội Israel thông qua ngân sách thời chiến sửa đổi
Sau một cuộc tranh luận gắt gao, Knesset (Quốc hội Israel) ngày 13.3 đã thông qua dự luật ngân sách sửa đổi 2024, bổ sung hàng chục tỷ USD để tài trợ cho các khoản chi liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra với phong trào Hamas tại Dải Gaza.
Bổ sung đáng kể chi tiêu cho quốc phòng
Với tỷ lệ khá sít sao là 63 phiếu ủng hộ, 55 phiếu phản đối, Knesset đã thông qua tổng dự toán ngân sách do chính phủ đề xuất, với giới hạn chi tiêu của chính phủ cho năm 2024 sẽ ở mức 584,1 tỷ NIS (160 tỷ USD), cao hơn 70 tỷ NIS (19 tỷ USD) so với ngân sách ban đầu năm 2024 được phê duyệt vào tháng 5.2023, trước khi chiến tranh nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, chưa kể 140 tỷ NIS để thanh toán các khoản nợ đến hạn. 55 tỷ NIS (15 tỷ USD) trong số 70 tỷ bổ sung này được phân bổ để tài trợ cho quân đội, trong khi phần còn lại sẽ dành cho nhu cầu dân sự thời chiến.
Ngoài 50 tỷ NIS (khoảng 13,7 tỷ USD) chi thêm cho hoạt động quân sự, quốc phòng, ngân sách 2024 còn đề xuất tăng thêm 15 tỷ NIS (4,1 tỷ USD) cho các hoạt động phát sinh về y tế, giáo dục, cảnh sát và bồi thường cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Do đó, mức trần thâm hụt ngân sách năm nay cũng được đề xuất tăng lên 6,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 2,25% GDP trước khi xảy ra xung đột.
Những ý kiến trái chiều
Dự thảo ngân sách sửa đổi, kết hợp cắt giảm toàn diện khoản phân bổ cho các lĩnh vực khác, cùng với chi tiêu bổ sung cho các vấn đề liên quan đến chiến tranh, đã vấp phải sự phản đối rộng rãi cả trong và ngoài liên minh của Thủ tướng Netanyahu. Nhiều người phàn nàn rằng nó cắt giảm quá nhiều chi phí cho các dịch vụ quan trọng.
Thủ lĩnh phe đối lập Lapid chỉ trích dự luật ngân sách là thiếu đồng bộ và hoang phí nhất từ trước đến nay”.
Trong khi đó, đảng Likud cầm quyền nói rằng luật pháp sẽ “đảm bảo cho Chính phủ tiếp tục cuộc chiến tranh cho đến khi chiến thắng hoàn toàn, mang lại lợi ích cho Nhân dân cũng như nền kinh tế của nhà nước”.
Phát biểu sau khi ngân sách được thông qua, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich nêu rõ: “Ngân sách chiến tranh sửa đổi có các mục tiêu rõ ràng: Giành thắng lợi trong chiến tranh, chi trả cho lực lượng quân nhân dự bị, tăng cường mặt trận nội địa và tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Israel”.
Các nhà phê bình đã chỉ trích ngân sách vì tác động của nó đối với ngành nông nghiệp của Israel, đồng thời cảnh báo rằng kế hoạch cắt giảm 20% ngân sách dành cho Viện Volcani, cơ quan nghiên cứu nông nghiệp nổi tiếng thế giới của Israel, có thể khiến các hoạt động của tổ chức này phải dừng lại.
Một trong những phần gây tranh cãi nhất của ngân sách là việc phân bổ hàng tỷ shekel để tài trợ cho các cơ sở giáo dục của đảng Chính thống giáo cực đoan Haredi, không giảng dạy chương trình giảng dạy do nhà nước bắt buộc.
Một cuộc thăm dò ý kiến gồm 600 người do Viện Smith thực hiện và được Kênh 12 công bố hôm 13.3 cho thấy, phần lớn công dân Do Thái phản đối việc ngân sách phân bổ hàng tỷ shekel cho hệ thống trường học Haredi, trong đó có 67% cử tri thuộc đảng Likud. Theo cuộc thăm dò, không ai trong số cử tri thuộc đảng Haredim bày tỏ sự phản đối ngân sách.
Ngân sách cũng bị các nhà lập pháp Ảrập chỉ trích vì cắt khoảng 15% kinh phí cho kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và xã hội của người Israel gốc Ảrập. Đảng Ảrập Hadash-Ta'al cho biết trong một tuyên bố: “Ngân sách này không hề giải quyết… tội ác chống lại xã hội Ảrập và tình trạng phân biệt đối xử khi cắt giảm viện trợ cho những người phải sơ tán”. Ngân sách “không kết nối với nhu cầu của công chúng và cắt giảm tài trợ cho người Ảrập, những người có hoàn cảnh khó khăn và tầng lớp trung lưu. Chúng ta sẽ phải trả giá cho những cắt giảm này trong nhiều năm, thậm chí cả ở các thế hệ tương lai”.
Cuộc xung đột tại Dải Gaza khiến chi tiêu quốc phòng của Israel tăng 85%. Trước khi luật ngân sách sửa đổi 2024 được trình lên Knesset, các quan chức và chuyên gia tài chính đã khuyến cáo chính phủ Israel cắt giảm các khoản chi tăng thêm không liên quan đến xung đột nhằm cân đối các chỉ số vĩ mô. Tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s lần đầu tiên đã đánh tụt hạng nền kinh tế Israel xuống còn A2, do lo ngại các rủi ro chính trị và tài chính gây ra bởi cuộc xung đột với Hamas.