Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

Chiều 11-11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) với 456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật BPVN. Ảnh: CTV

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật BPVN. Ảnh: CTV

Trước khi thông qua toàn bộ Luật BPVN, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Điều 5, quy định về nhiệm vụ BĐBP, với 447 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và Điều 10, quy định phối hợp thực thi nhiệm vụ Biên phòng, với 439 đại biểu Quốc hội tán thành.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật BPVN bao gồm 6 chương, 36 điều quy định các chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Trước đó, qua các cuộc thảo luận, xin ý kiến, đại đa số đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia đều cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…

Ở khía cạnh khác, Luật BPVN được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về mặt pháp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới. Việc xây dựng Luật BPVN cũng nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, kịp thời chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo vệ biên giới quốc gia theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, đó là “hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia…”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật BPVN trước khi Quốc hội thông qua Luật BPVN. Ảnh: CTV

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật BPVN trước khi Quốc hội thông qua Luật BPVN. Ảnh: CTV

Trước khi biểu quyết thông qua, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật BPVN. Báo cáo cho thấy tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật BPVN. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Theo báo cáo của UBTVQH, đối với một số ý kiến, đóng góp về nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về biên giới” vào cuối khoản 5; bổ sung nội dung “Tổ chức thực hiện quan hệ phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với từng nước láng giềng trong quan hệ biên giới...” vào khoản 6. Trước ý kiến này, UBTVQH nhận thấy, nội dung “ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về biên giới” đã được quy định tại khoản 4 Điều này, nội dung hợp tác quốc tế đã được quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật BPVN. Ảnh: Linh Đan

Kết quả biểu quyết thông qua Luật BPVN. Ảnh: Linh Đan

Đối với ý kiến cho rằng, việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại khoản 5 chưa rõ đối tượng, đề nghị chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát là con người; quy định kiểm soát qua lại biên giới còn rộng, dễ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng, UBTVQH nêu quan điểm, việc kiểm soát xuất nhập cảnh nhằm duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của BĐBP; nếu chỉ quy định đối tượng kiểm soát là con người sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng phương tiện để cất giấu tài liệu phản động, vũ khí, ma túy… để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, ngoài việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với con người còn phải kiểm soát cả phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng, UBTVQH đã bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối khoản này...

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quoc-hoi-khoa-xiv-thong-qua-luat-bien-phong-viet-nam-post435020.html