Quốc hội luôn lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội vừa sôi nổi, đa chiều, vừa rõ kiến nghị và giải pháp. Đặc biệt, Quốc hội đã lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp - điều này tiếp thêm khí thế để doanh nghiệp dám thay đổi, dám hành động.

Ông NGUYỄN THẾ ĐIỆP, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội: Quốc hội dành mối quan tâm lớn cho thị trường bất động sản

Qua theo dõi, tôi thấy phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội hết sức sôi nổi và phong phú. Những khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp, hộ kinh doanh; các vấn đề của đời sống dân sinh; câu chuyện chấn hưng văn hóa… đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra, thảo luận và đề xuất giải pháp.

Đặc biệt, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề cập tình hình khó khăn của thị trường bất động sản. Không chỉ vậy, các đại biểu còn “cắt lát” từng khía cạnh và phân tích sâu những vấn đề nội tại của thị trường như sự chênh lệch cung - cầu dẫn đến giá cả chưa hợp lý; pháp lý còn nhiều điểm nghẽn; hay những tác động từ bên ngoài do lạm phát, tỷ giá, lãi suất cao… Điều này cho thấy mối quan tâm của các ĐBQH đối với thị trường bất động sản là rất lớn và sâu sắc.

Ngành bất động sản giữ vai trò quan trọng với nền kinh tế. Thị trường bất động sản phát triển sẽ kéo các ngành khác như trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, các ngành dịch vụ… phát triển theo. Ngược lại, thị trường bất động sản gặp khó khăn thì ách tắc trong nền kinh tế cũng rất lớn. Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực sớm hơn, từ ngày 1.8.2024 thay vì từ ngày 1.5.2025 như đã quyết định trước đó. Hôm qua, tại phiên thảo luận tại hội trường, một số đại biểu đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của Chính phủ. Điều này khiến chúng tôi, những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, và người dân đều hết sức vui mừng. Ba luật này được triển khai sớm thì thị trường bất động sản sớm vượt qua khó khăn và sẽ khởi sắc, người dân cũng có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp của mình.

Chúng tôi mong muốn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các luật này để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nếu có. Đồng thời, tiếp tục bám sát và thúc đẩy tiến trình tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản về tiếp cận vốn tín dụng, thủ tục làm nhà ở xã hội; đề xuất phương án xử lý tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang…

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính, ngân hàng: Cần sửa ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đã trao đổi rất thẳng thắn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và đề xuất các giải pháp rất sát với thực tiễn. Trong đó, tôi rất đồng tình với ý kiến củaĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về việc mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay rất bất cập, chưa theo kịp thực tiễn.

Như chúng ta đã biết, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tiêu dùng. Tổng cầu tiêu dùng hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến hơn 70% trong cơ cấu. Nếu tiêu dùng không được đẩy mạnh thì nền kinh tế sẽ trì trệ. Chính vì vậy, phải có giải pháp để kích thích tiêu dùng, và do đó giảm thuế là giải pháp quan trọng.

Với thuế thu nhập cá nhân, đúng như đại biểu Nguyễn Thị Thủy phản ánh, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng đã lạc hậu. 5 năm vừa qua, rất nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng giá, thậm chí có mức giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. Nếu không sớm sửa quy định này, người dân sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện đóng thuế thu nhập nhiều hơn; từ đó mức tiêu thụ nền kinh tế giảm, kéo theo ảnh hưởng đến tổng thể của nền kinh tế.

Tôi tán thành với đề xuất của đại biểu Quốc hội, đó là cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh. Quy định này nên được sửa ngay trong năm nay thay vì chờ đến 2 năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như Chính phủ đang dự tính.

Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ gây áp lực cho ngân sách nhà nước. Để có thể bù lại sự thiếu hụt, Chính phủ cần mở rộng cơ sở thuế, ví dụ đánh thuế bất động sản, đánh thuế giao dịch vàng…

Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Minh Việt Nam (Mustgo.vn): Hy vọng đề xuất chính sách sớm trở thành quyết sách

Năm 2023 và những tháng đầu năm nay, ngành du lịch tăng trưởng rất tích cực. 5 tháng qua, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: sản phẩm du lịch chưa đa dạng; thiếu tính liên kết giữa các vùng, địa phương; các xu hướng du lịch mới nổi lên như du lịch xanh, sinh thái, nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập trong triển khai; việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cũng có nhiều hạn chế… Đặc biệt, giá vé hàng không nội địa tăng cao làm giảm khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của các tour du lịch trong nước so với các tour nước ngoài.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Minh Việt Nam ( Mustgo.vn ), Nguyễn Văn Thọ. Nguồn:ITN

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Minh Việt Nam ( Mustgo.vn ), Nguyễn Văn Thọ. Nguồn:ITN

Để kích cầu du lịch nội địa, doanh nghiệp mong Chính phủ sớm có giải pháp điều chỉnh giá vé máy bay nội địa xuống thấp hơn. Trên diễn đàn Quốc hội hôm qua, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp để giảm giá vé máy bay nội địa; đồng thời nêu ra nhiều giải pháp để Quốc hội và Chính phủ xem xét, thảo luận như: cần có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan và giảm giá trong dịch vụ hàng không; tăng năng lực điều hành, vận hành, khai thác tại các cảng hàng không; có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hãng hàng không trong nước trước những hành vi không lành mạnh của công ty nước ngoài cho thuê và mua máy bay…

Được Quốc hội quan tâm, trao đổi về những vấn đề nóng của ngành, chúng tôi thấy mình đã được Quốc hội lắng nghe và đồng hành. Điều này dường như tiếp thêm cho chúng tôi khí thế mới, dám thay đổi, dám thực hiện. Hy vọng, sau phiên thảo luận, các đề xuất chính sách sẽ trở thành những quyết sách và sớm đi vào cuộc sống, tạo không gian phát triển cho ngành du lịch cũng như toàn nền kinh tế.

Hạnh Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/quoc-hoi-luon-lang-nghe-va-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-i373302/