Quốc hội Morocco trong nhịp đập chuyển đổi số
Nằm giữa lòng Thủ đô Rabat, Quốc hội Vương quốc Morocco không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị mà còn là biểu tượng sống động của sự hòa quyện giữa truyền thống Hồi giáo, tinh thần dân chủ hiện đại và bản sắc Bắc Phi độc đáo. Nơi đây vừa lưu giữ những giá trị lịch sử vững bền, vừa phản ánh bước chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Cơ cấu hai viện trong nền dân chủ mang bản sắc riêng
Quốc hội Morocco bao gồm hai viện: Hạ viện và Thượng viện, hoạt động theo mô hình lưỡng viện tương tự các nền dân chủ nghị viện hiện đại. Hạ viện gồm 395 nghị sĩ, được bầu trực tiếp thông qua phổ thông đầu phiếu, đảm bảo tiếng nói của người dân từ thành thị đến nông thôn, từ vùng biển đến vùng núi. Trong khi đó, Thượng viện với 120 thành viên được bầu gián tiếp qua các hội đồng địa phương, tổ chức nghề nghiệp và nghiệp đoàn, phản ánh lợi ích của các nhóm xã hội, giới kinh doanh và lực lượng lao động. Đây là cách Morocco bảo đảm rằng những người nông dân vùng núi Atlas, các chủ doanh nghiệp ở Casablanca hay những công nhân ở Marrakech đều có thể gián tiếp góp tiếng nói vào nghị trường.

Hạ viện Morocco khai mạc kỳ họp thứ hai trong năm lập pháp 2024 - 2025 vào tháng 4/2025. Ảnh: Hespress
Morocco là một quốc gia quân chủ lập hiến, Quốc hội có vai trò ngày càng lớn trong giám sát và lập pháp, trong khi Quốc vương vẫn giữ vai trò trọng tài và biểu tượng đoàn kết quốc gia. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2011, ra đời sau làn sóng Mùa xuân Ảrập, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng: trao thêm nhiều quyền hạn cho Quốc hội với tư cách là cơ quan dân cử.
Cơ quan lập pháp mở cửa với công chúng
Quốc hội Morocco hướng tới xây dựng một nghị trường gần dân. Các phiên họp quan trọng được truyền hình trực tiếp, hệ thống thông tin nghị trường được công khai trên trang web chính thức, và đặc biệt, người dân có thể đến tham quan tòa nhà Quốc hội vào các ngày mở cửa.
Vào tháng 6/2025, Hạ viện Morocco và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Morocco đã khánh thành Media Box, một studio truyền hình được thiết kế để tăng cường tính minh bạch của các thủ tục nghị viện và đưa cơ quan này đến gần hơn với người dân.
Đáng chú ý, Quốc hội còn triển khai các chương trình giáo dục chính trị cho thanh thiếu niên, trong đó, học sinh được mời đến dự phiên họp, gặp gỡ nghị sĩ và tìm hiểu về quy trình làm luật. Đó là cách Morocco gieo mầm dân chủ từ sớm, bằng việc “thắp sáng” ý thức công dân ngay từ ghế nhà trường.
Một chi tiết thú vị khác là Quốc hội Morocco có các phòng cầu nguyện và không gian tĩnh tâm - phản ánh đặc trưng văn hóa Hồi giáo nhưng vẫn được bố trí song song với các không gian làm việc hiện đại, cho thấy sự hòa quyện giữa đạo và đời.
Một Quốc hội chuyển đổi xanh và chuyển đổi số
Không đứng ngoài xu hướng toàn cầu, Quốc hội Morocco cũng đã và đang tích cực số hóa hoạt động của cơ quan lập pháp. Tiến trình này nằm trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi số quốc gia mang tên Digital Morocco 2030 với định hướng xây dựng quốc gia số hiện đại, cạnh tranh và sáng tạo. Được công bố chính thức vào năm 2024, chiến lược này có 4 trụ cột chính: Nâng cao hạ tầng công nghệ số toàn quốc; nâng cao kỹ năng số, đặc biệt là AI cho con người; phát triển khởi nghiệp và sáng tạo; thúc đẩy hệ thống dịch vụ công điện tử bao trùm mọi lĩnh vực hành chính, y tế, giáo dục và tòa án.
Từ năm 2014, Hạ viện Morocco đã triển khai chương trình Nghị viện điện tử (e-parliament). Mô hình này được thiết kế để phát triển nền tảng quản lý tài liệu điện tử; giảm đến 80 - 90% việc sử dụng giấy trong các kỳ họp; ứng dụng phần mềm OCR, hệ thống lưu trữ, và ký điện tử; trang bị máy tính bảng và điện thoại thông minh cho đại biểu để sử dụng các phần mềm nội bộ, đọc và nghiên cứu tài liệu trực tuyến liên quan đến dự luật, báo cáo, biên bản.
Nền tảng này còn hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa Hạ viện, Thượng viện và Chính phủ trong việc trao đổi dự luật, biên bản và thông tin. Từ tháng 1/2020, website của nghị viện được thiết kế lại với giao diện đa ngôn ngữ, tích hợp với các chuyên mục cho phép phát trực tiếp các phiên họp, nhận kiến nghị và phản hồi của người dân.
Các phiên chất vấn và phiên toàn thể được phát trực tiếp trên website và mạng xã hội. Quốc hội cũng từng bước triển khai ứng dụng tham vấn trực tuyến để cử tri có thể gửi thư nguyện thư, đánh giá chính sách, và tương tác theo khu vực bầu cử.
Gần đây, Quốc hội Morocco đã tăng cường ứng dụng AI vào hoạt động, chẳng hạn việc sử dụng AI để dịch tự động, tổng hợp biên bản, và lập báo cáo từ các ủy ban; phân tích hàng ngàn phản hồi của công dân trong các phiên tham vấn; tiến hành chuyển giọng nói thành văn bản của các phiên họp và tổ chức lưu trữ thông minh. Tờ L’Economiste nhận định, quá trình chuyển đổi số ở Quốc hội Morocco đang giúp hoạt động của cơ quan lập pháp trở nên hiệu quả và tiết kiệm nhân lực, thời gian, song cũng cảnh báo về các rủi ro như thiên kiến thuật toán và bảo mật dữ liệu.
Kiến trúc mang đậm tinh thần Morocco
Quốc hội Morocco còn gây ấn tượng bởi “ngôi nhà” của mình với vẻ ngoài vừa trầm mặc, uy nghiêm, vừa thanh thoát theo phong cách kiến trúc Moorish đặc trưng của vùng Bắc Phi. Những mái vòm cong mềm mại, hàng cột vững chãi, cửa vòm chạm khắc cầu kỳ và tông màu đất đỏ đặc trưng hòa quyện cùng màu xanh lá cây của mái ngói gợi nhớ đến các công trình Hồi giáo thời trung cổ.
Bên trong, sảnh chính rộng lớn được ốp đá cẩm thạch, trần gỗ chạm trổ tinh xảo, đèn chùm đồng rực rỡ và những mảng tường phủ gốm Zellige truyền thống. Những yếu tố đó không chỉ tạo nên vẻ đẹp thị giác mà còn khơi gợi cảm giác thiêng liêng, trang nghiêm, xứng tầm của một cơ quan chịu trách nhiệm về những quyết sách liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Quốc hội Morocco, từ tòa nhà cho đến những chuyển động bên trong đó, là sự đan xen độc đáo giữa cội rễ truyền thống và khát vọng hiện đại trong dòng chảy dân chủ hóa ở khu vực Bắc Phi.