Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận về ngân sách tổng thể, bước đầu khai thông bế tắc
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã công bố một thỏa thuận lưỡng đảng hôm 7.1 về tổng ngân sách cho năm tài khóa 2024, đánh dấu một bước quan trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa trong năm bầu cử tổng thống.
Bước đi đầu tiên khai thông bế tắc
Thỏa thuận về tổng ngân sách với mức trần chi tiêu liên bang khoảng 1,6 nghìn tỷ USD đã được Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa Mike Johnson và các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Quốc hội công bố sau nhiều tuần đàm phán.
Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng hoan nghênh thỏa thuận. Phát biểu trong một tuyên bố, ông khẳng định thỏa thuận này “sẽ đưa nước Mỹ tiến một bước gần hơn tới việc ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa không cần thiết và bảo vệ các ưu tiên quốc gia quan trọng”.
Việc thông qua mức tổng chi tiêu ngân sách là bước đầu tiên của lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong nỗ lực đạt một loạt thỏa thuận quan trọng nhằm ngăn nguy cơ chính phủ của Tổng thống Joe Biden phải đóng cửa trước hạn chót 19.1 tới.
Trong 10 ngày tới, các nghị sĩ sẽ phải thảo luận để đạt thỏa thuận về các hạng mục chi tiêu chi tiết hơn mà các cơ quan chính phủ được phép chi tiêu, từ Bộ Nông nghiệp và Giao thông vận tải đến An ninh Nội địa, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Trong khi đó, dự luật chi tiêu cụ thể của Lầu Năm Góc cần được thông qua trước ngày 2.2.
Ngân sách quốc phòng cao kỷ lục
Trong số 1,6 nghỉn tỷ USD cho năm tài khóa 2024, phần chi tiêu của Lầu Năm Góc là 886,3 tỷ USD và chi tiêu phi quân sự là 772,7 tỷ USD. Thỏa thuận này, được xây dựng dựa trên một thỏa thuận được đưa ra vào năm ngoái giữa cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Nhà Trắng, trong đó bao gồm việc tăng chi tiêu của Lầu Năm Góc lên khoảng 886,3 tỷ USD, vượt xa 100 tỷ USD so với chi tiêu cho các hoạt động phi quân sự mà Đảng Dân chủ vạch ra.
Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu tại Hạ viện Hakeem Jeffries nói: “Bằng cách đảm bảo 772,7 tỷ USD cho nguồn tài trợ tùy ý phi quốc phòng, chúng tôi có thể bảo vệ các ưu tiên quan trọng trong nước như phúc lợi cho cựu chiến binh, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ dinh dưỡng khỏi những cắt giảm”.
Hai quan chức này cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được sẽ dọn đường cho Quốc hội hành động trong vài tuần tới nhằm duy trì các ưu tiên tài trợ quan trọng cho người dân Mỹ và tránh việc chính phủ đóng cửa.
Tổng thống Biden trong tuyên bố của mình cũng nhấn mạnh thỏa thuận “từ chối cắt giảm sâu đối với các chương trình mà các gia đình quân nhân tin tưởng; mở đường cho việc thông qua các dự luật tài trợ cả năm cho người dân Mỹ và không có bất kỳ chính sách cực đoan nào”.
Tuy nhiên, việc tăng chi phí phi quân sự lên mức cao như vậy có thể sẽ chọc giận phe cực hữu trong cuộc họp kín của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện bởi nhiều người trong số họ đã thúc ép thắt lưng buộc bụng tài chính.
Mức chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2024 được đánh giá là cao hơn đáng kể các quốc gia khác. Tháng 11.2023, thông tấn Nga TASS trích luật ngân sách của Nga cho thấy Moscow dự kiến chi tiêu quốc phòng năm 2024 vào khoảng 10.400 tỷ ruble (tương đương 116 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo New York Times, các nghị sĩ ở hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa đạt được đồng thuận liên quan đến các nội dung cụ thể về đề xuất của Nhà Trắng về việc viện trợ Ukraine và Israel. Các thành viên đảng Cộng hòa khẳng định sẽ không xem xét đề xuất đó nếu Nhà Trắng không có chính sách cứng rắn hơn nhằm ngăn dòng người di cư trái phép vào Mỹ.