Quốc hội Mỹ khôi phục chương trình vũ khí thời thế chiến hỗ trợ cho Ukraine
Luật 'cho mượn-cho thuê' được thông qua tại Quốc hội sẽ giúp Mỹ gửi vũ khí trực tiếp đến Kiev dễ dàng hơn.
Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua dự luật "cho thuê quốc phòng dân chủ Ukraine năm 2022", giúp việc đưa thiết bị quân sự sang Ukraine dễ dàng hơn. Dự luật giờ sẽ được gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký thành luật.
Thỏa thuận cho phép Mỹ cung cấp thiết bị cho các đồng minh, trong trường hợp này là những nước bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự ở Ukraine, bao gồm Ba Lan và các nước Đông Âu khác, cũng như chính Kiev. Đạo luật yêu cầu thanh toán vào một thời điểm khác trong tương lai. Về cơ bản điều này nghĩa là giao số vũ khí cho chính phủ Kiev.
Đây là một chương trình từng được Mỹ triển khai vào thời thế chiến II để cho phép Anh và các đồng minh mượn hoặc cho thuê thiết bị quân sự của họ với chi phí thấp. Các thành viên Quốc hội nay hy vọng đạo luật sẽ hoạt động như cách đây 8 thập kỷ, cho phép các công ty Mỹ nhanh chóng tiếp tế cho quốc gia đối tác mà không cần thông qua các rào cản thủ tục.
“Các lực lượng Ukraine đã thể hiện sức mạnh và sự dũng cảm không thể tin được, và chúng tôi một lần nữa phải đóng vai trò là kho vũ khí của nền dân chủ và đảm bảo họ có đầy đủ các nguồn lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn nói. Ông là người bảo trợ chính cho dự luật tại Thượng viện.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden đã yêu cầu Quốc hội nước này phê chuẩn khoản viện trợ bổ sung 33 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hơn 20 tỷ USD cho vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ quân sự khác, 8,5 tỷ USD hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho chính phủ Ukraine và 3 tỷ USD viện trợ nhân đạo. Số tiền dự định nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc chiến đến hết tháng 9, kết thúc năm tài chính của chính phủ Mỹ.
"Chúng tôi cần dự luật này để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến giành tự do", ông Biden nói tại Nhà Trắng hôm 28/4. “Cái giá phải trả của cuộc chiến không hề rẻ - nhưng nếu muốn gây hấn thì sẽ còn tốn kém hơn”.
Quốc hội Mỹ trước đó đã phê duyệt 13,6 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine, bao gồm 3 tỷ USD cho các hoạt động của Bộ chỉ huy châu Âu Mỹ nhằm hỗ trợ quân đội Mỹ trong khu vực, và 3,5 tỷ USD để bổ sung kho thiết bị của Mỹ gửi đến Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Nhà Trắng đề xuất sử dụng tài sản thu giữ được từ các nhà tài phiệt Nga để bồi thường cho những thiệt hại mà Ukraine phải gánh chịu. Ý tưởng bồi thường là một phần trong các nỗ lực mới của Mỹ nhằm tăng cường trừng phạt kinh tế đối với Moskva và giúp Kiev khôi phục đất nước sau cuộc chiến.