Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn, ngăn chính phủ đóng cửa

Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật cung cấp ngân sách chi tiêu cho các cơ quan liên bang trong 45 ngày tới. Đây là một giải pháp tạm thời để các nhà lập pháp ở đồi Capitol có thêm thời gian thảo luận gói chi tiêu đầy đủ cho năm tài chính 2024, bắt đầu vào ngày 1-10.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời H.R. 5860 với tỷ lệ 88 phiếu thuận, 9 phiếu chống, cho phép chính phủ Mỹ hoạt động thêm 45 ngày tới. Ảnh: AP

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời H.R. 5860 với tỷ lệ 88 phiếu thuận, 9 phiếu chống, cho phép chính phủ Mỹ hoạt động thêm 45 ngày tới. Ảnh: AP

Vào đêm 30-9, chỉ 3 giờ trước thời hạn cuối (12 giờ 1 phút ngày 1-10 theo giờ miền Đông của Mỹ), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn nói trên với tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo. Trước đó, dự luật cũng đã được Hạ viện Mỹ nhất trí với tỷ lệ 335 phiếu thuận, 91 phiếu chống.

Sau khi được Tổng thống Joe Biden để ký ban hành trong cùng ngày, dự luật giúp ngăn chính phủ đóng cửa, một kịch bản có thể gây tác động tai họa lên người dân và nền kinh tế Mỹ. Nếu chính phủ Mỹ đóng cửa, hàng triệu nhân viên liên bang sẽ tạm thời không được trả lương và các chương trình liên bang không thiết yếu sẽ ngừng hoạt động.

Dự luật có nội dung dài 71 trang, do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất, sẽ phân bổ 16 tỉ đô la Mỹ cho ngân sách cứu trợ thảm họa nhưng không bao gồm điều khoản viện trợ tài chính mới cho Ukraine. Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã cung cấp gói hỗ trợ an ninh trị giá tổng cộng hơn 43 tỉ đô la cho Kiev.

Dự luật cũng không bao gồm các điều khoản cắt giảm chi tiêu sâu rộng và các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, nguyên nhân khiến phiên bản ban đầu của dự luật bị Hạ viện bác bỏ hôm 29-9.

Trong tuyên bố hoan nghênh Hạ viện thông qua dự luật, Tổng thống Joe Biden nói rằng các nhà lập pháp đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng không cần thiết có thể gây ra nỗi đau cho hàng triệu người Mỹ. Ông cũng chỉ trích “những thành viên Cộng hòa cực đoan tại Hạ viện”.

“Đây là tin tốt cho người dân Mỹ nhưng tôi muốn nói rõ, lẽ ra ngay từ đầu chúng ta không bao giờ nên rơi vào tình thế này. Chỉ vài tháng trước, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và tôi đã đạt được thỏa thuận ngân sách để tránh kiểu khủng hoảng giả tạo này. Trong nhiều tuần, các thành viên cực đoan của đảng Cộng hòa đã tìm cách tránh xa thỏa thuận đó bằng cách yêu cầu cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ, điều có thể gây thiệt hại cho hàng triệu người Mỹ. Nhưng họ đã thất bại”, ông Biden nói.

Người đứng đầu Nha Trắng kỳ vọng Chủ tịch Hạ viện McCarthy sẽ giúp đảm bảo có thêm viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong thỏa thuận ngân sách, vốn không nằm trong dự luật chi tiêu tạm thời.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn”, Tổng thống Biden nói.

Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện ca ngợi việc thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn không chỉ giúp ngăn chính phủ đóng cửa mà còn tránh được các khoản cắt giảm chi tiêu lớn theo yêu cầu của một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa

“Không có điều khoản cắt giảm chi tiêu 30% ở các lĩnh vực như chăm sóc y tế; không có điều khoản cắt giảm ngân sách đối với Cục An sinh xã hội và không có chuyện cắt giảm đối với các chương trình dinh dưỡng dành cho trẻ em”, ông Schumer nói về nội dung dự luật.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã mạo hiểm loại bỏ các điều khoản cắt giảm chi tiêu ra khỏi dự luật để giành sự ủng hộ của các thành viên đảng Dân chủ. Ông cũng đã thúc đẩy các thành viên cứng rắn đảng Dân chủ thỏa hiệp vào phút cuối. Trước đó, những người này đe dọa vận động bỏ phiếu phế truất Kevin McCarthy khỏi ghế Chủ tịch Hạ viện nếu ông đề xuất bỏ phiếu cho một dự thuật chi tiêu “sạch sẽ” (ám chỉ không cắt giảm chi tiêu cho các chương trình liên bang).

“Nếu ai đó muốn phế truất tôi chỉ vì tôi muốn là một người hành động chín chắn (trong tình thế này) thì hãy cứ làm đi”, ông McCarthy nói với báo chí khi đề cập đến lời đe dọa trên.

Quốc hội Mỹ thường thông qua các dự luật chi tiêu tạm thời để các nhà lập pháp của đảng Dân chủ và Cộng hòa có thêm thời gian đàm phán chi tiết về gói dự luật cung cấp ngân sách các chương trình liên bang trong năm tài chính tiếp theo.

Tuy nhiên lần này, một nhóm thành viên cứng rắn của Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn hành động của Hạ viện, thúc ép thắt chặt các quy định nhập cư và cắt giảm chi tiêu dưới mức đã nhất trí trong thỏa thuận về trần nợ công vào đầu năm.

Thỏa thuận này đặt ra giới hạn chi tiêu tùy ý là 1,59 nghìn tỉ đô la trong năm tài chính 2024. Trong khi đó, phe Cộng hòa tại Hạ viện yêu cầu cắt giảm chi tiêu thêm 120 tỉ đô la.

Cho đến nay, Quốc hội Mỹ chưa nhất trí bất cứ dự luật nào trong số 12 dự luật chi tiêu cần phải được thông qua để cung cấp ngân sách cho các cơ quan liên bang trong suốt năm tài chính 2024.

Theo CNBC, The Hill

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quoc-hoi-my-thong-qua-du-luat-chi-tieu-ngan-han-ngan-chinh-phu-dong-cua/