Quốc hội Mỹ thông qua lệnh trừng phạt đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga

Ngày 17/12, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt đối với đường ống khí đốt Nord Stream 2 của Nga.

Tàu dải ống trong dự án Nord Stream 2

Tàu dải ống trong dự án Nord Stream 2

Washington cáo buộc dự án này là tăng cường ảnh hưởng của Moscow ở châu Âu, trong khi chính những nước châu Âu tham gia dự án lại coi đây là đường ống chiến lược cung cấp khí đốt cho họ.

Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào các công ty hợp tác xây dựng đoạn đường ống dưới biển Baltic trong dự án Nord Stream 2. Liên minh châu Âu lên án biện pháp trừng phạt này của Mỹ.

Một trong những mục tiêu chính mà Mỹ muốn nhắm đến là Allseas, một công ty Thụy Sĩ sở hữu tàu dải ống lớn nhất thế giới, Pioneering Spirit, được Gazprom của Nga thuê để xây dựng đoạn đường ống dưới biển.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi visa Hoa Kỳ đối với các nhà thầu tham gia xây dựng đường ống.

Dự luật của Mỹ cũng nhắm mục tiêu đến một dự án đường ống khí đốt khác của Nga, Turk Stream, nối Nga với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Biển Đen.

Luật trừng phạt đã được bỏ phiếu tại Thượng viện với đa số tuyệt đối (86 phiếu thuận, 8 phiếu chống). Đây là một phần của luật quốc phòng Mỹ. Luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tuần trước nhưng vẫn chưa được Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Nord Stream 2 đã được xây dựng 80%, có thể sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Dự án này sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Đức, rồi từ Đức chuyển đi các quốc gia Tây Âu khác.

Mỹ và một số nước châu Âu - Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic cho rằng đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.

Các lệnh trừng phạt là một phần của gói "răn đe chống xâm lược từ phía Nga". Nord Stream 2 là "mối đe dọa đối với an ninh năng lượng châu Âu", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch cho biết.

Sau khi dự thảo luật được thông qua tại Hạ viện Mỹ tuần trước, Liên minh châu Âu và Berlin đã tố cáo các lệnh trừng phạt này nhằm vào các công ty châu Âu và can thiệp vào chính sách năng lượng của châu Âu.

Theo một số nhà quan sát, sự phản đối của Mỹ đối với Nord Stream 2 cũng là một phần trong cuộc chiến thương mại của Mỹ với Nga. Washington muốn tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.

Nord Stream 2 có mức đầu tư khoảng 10 tỷ euro, một nửa do Gazprom tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell).

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/quoc-hoi-my-thong-qua-lenh-trung-phat-duong-ong-dan-khi-nord-stream-2-cua-nga-558856.html