Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận nợ trần, chấm dứt nỗi lo vỡ nợ
Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận đình chỉ nợ trần và áp đặt các hạn chế chi tiêu trong hai năm tới, chấm dứt mối đe dọa nước Mỹ vỡ nợ, có thể kích hoạt cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu. Thỏa thuận có tên gọi Đạo luật Trách nhiệm tài khóa (FRA) 2023, cũng đã được Hạ viện thông qua trước đó, giờ đây sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Đêm 1-6, Thượng viện Mỹ thông qua FRA với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, đủ vượt qua ngưỡng 60 phiếu ủng hộ cần thiết để ngăn chặn bất kỳ nghị sĩ nào yêu cầu thảo luận thêm. Trước đó, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ 11 đề xuất sửa đổi đối với FRA. Nhiều nghị sĩ ôn hòa của đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa vẫn không hài lòng về nội dung của thỏa thuận nợ trần nhưng cho rằng không đáng để cản trở quy trình bỏ phiếu có thể dẫn đến rủi ro nước Mỹ vỡ nợ vào ngày 5-6 tới khi Bộ Tài chính Mỹ không còn tiền để chi tiêu.
Sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, Bộ trưởng Tài chình Mỹ Janet Yellen đã ca ngợi FRA và cho rằng đạo luật này “bảo vệ niềm tin và uy tín của Mỹ đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo tài chính của chúng ta, điều rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và ổn định kinh tế của chúng ta”.
“Nếu chúng ta tán thành thỏa thuận, chúng ta sẽ không vỡ nợ. Điều đó quan trọng”, thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện nói trước cuộc bỏ phiếu. Các nhà đầu tư phần lớn đánh giá rủi ro vỡ nợ của Mỹ đã được giải quyết và đang chuyển mối quan tâm sang những bất ổn khác, chẳng hạn như chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s cho biết cuộc khủng hoảng trần nợ công của Mỹ đã được giải quyết đúng như kỳ vọng, vì vậy, hãng sẽ không xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Mỹ.
Việc Thượng viện thông qua FRA chấm dứt cuộc tranh cãi tồi tệ nhất về trần nợ công của Mỹ trong hơn 10 năm qua. Nhưng điều này gây một số tổn thất chính trị cho Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, những người hứng chỉ trích dữ dội từ các nhóm nghị sĩ cứng rắn trong đảng của họ vì cho rằng họ đã nhượng bộ quá nhiều trong quá trình đàm phán.
Freedom Caucus, nhóm nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã kịch liệt chỉ trích ông McCarthy sau khi chứng kiến nhiều nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu cho FRA tại Hạ viện hơn nghị sĩ đảng Cộng hòa. Các thành viên của nhóm này sẽ họp tuần tới để thảo luận về các bước đi tiếp theo của họ, có thể bao gồm nỗ lực lật đổ ông McCarthy.
Đối với ông Biden, cuộc bỏ phiếu có nguy cơ khiến những nghị sĩ cấp tiến của đảng Dân chủ xa lánh chiến dịch tái tranh cử mà ông cần dựa vào họ để khơi dậy sự ủng hộ của cử tri ở các khu vực bầu cử quan trọng.
“Không ai có được mọi thứ họ muốn trong cuộc đàm phán, nhưng đừng nhầm lẫn: Thỏa thuận lưỡng đảng này là một chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta và người dân Mỹ”, ông Biden nói trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ.
FRA sẽ định hướng chi tiêu của chính quyền liên bang trong hai năm tới và đình chỉ trần nợ công hiện ở mức 31,4 nghìn tỉ đô la cho đến ngày 1-1-2025. Để đổi lấy phiếu ủng hộ của phe Cộng hòa cho việc đình chỉ nợ trần, đảng Dân chủ đã đồng ý giới hạn chi tiêu trong các lĩnh vực phi quốc phòng trong hai năm tới. Riêng ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2024 chỉ được phép tăng 3%, lên 886 tỉ đô la và tăng thêm 1% trong năm tài chính 2025.
FRA cũng bật đèn xanh cho dự án đường ống dẫn khí Mountain Valley đang bị đình trệ ở Tây Virginia. Các hạn chế chi tiêu trong FRA có thể có tác động lớn đến những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học, những người sẽ phải tiếp tục thanh toán khoản vay sinh viên. Một số người Mỹ có thu nhập thấp cũng sẽ bị hạn chế phúc lợi.
Hai nhà kinh tế của Bloomberg Economics, Anna Wong và Maeva Cousin, nhận định các giới hạn chi tiêu hai năm trong thỏa thuận nợ trần sẽ giáng thêm một đòn ngắn hạn vào nền kinh tế vốn đã dễ bị suy thoái.
“Thỏa thuận cũng gần như không giúp cải thiện quỹ đạo trung hạn không bền vững của nợ công chính phủ mà chúng tôi ước tính vẫn đang trên đà tăng từ 97% GDP vào năm 2022 lên hơn 130% GDP vào năm 2033”, họ viết trong một báo cáo.
Theo Bloomberg, CNBC