QUỐC HỘI NGHE GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Tiếp tục Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước đối với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý Điều 1 dự thảo Luật.
Về bên ký kết Việt Nam (khoản 2 Điều 2): Một số ý kiến thống nhất cao, ủng hộ UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký Thỏa thuận quốc tế trong một số lĩnh vực cụ thể phù hợp với năng lực và khả năng thực thi. Một số ý kiến còn băn khoăn, đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết Thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: Theo số liệu thống kê đến tháng 10/2020, nước ta có 428 xã ở khu vực biên giới trên đất liền (với Lào 157 xã, Campuchia 112 xã và Trung Quốc 159 xã), UBND cấp xã ở khu vực này đã ký 67 văn bản với các xã bên kia biên giới, trong đó có 63 Thỏa thuận quốc tế với Lào, 04 Thỏa thuận quốc tế với Trung Quốc.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực, chặt chẽ về pháp lý, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn phạm vi và nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký Thỏa thuận quốc tế gồm: giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới, phù hợp với Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272 ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI (Gọi tắt là Quy chế 272).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, để bảo đảm áp dụng thống nhất việc ký kết Thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc trên phạm vi cả nước, trong đó có UBND cấp xã ở khu vực biên giới, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ký kết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao nghiên cứu, xây dựng cẩm nang, mẫu ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới.
Có ý kiến đề nghị xem xét, quy định bổ sung một số chủ thể được ký Thỏa thuận quốc tế gồm các Ban thuộc HĐND, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế cửa khẩu và Ban quản lý có tên gọi khác trực thuộc UBND cấp tỉnh; bệnh viện, các viện, các trung tâm, các trường đại học trực thuộc Bộ và các cơ quan ngang bộ, các pháp nhân hoặc các tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức phi Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Việc ký kết Thỏa thuận quốc tế xuất phát từ nhu cầu của hai bên ký kết, qua tổng kết thi hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế năm 2007 không có văn bản hợp tác quốc tế được ký nhân danh các Ban của Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trên thực tế cũng chưa có bên ký kết nước ngoài đề nghị ký Thỏa thuận quốc tế nhân danh các cơ quan nói trên.
Đối với Ban Quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế cửa khẩu và Ban Quản lý có tên gọi khác trực thuộc UBND cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Hầu hết các nước không có mô hình Ban quản lý trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cấp tỉnh và không ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh các cơ quan, đơn vị tương tự. Do đó, trong thực tế nếu có nhu cầu phát sinh, UBND cấp tỉnh giao cơ quan trực thuộc tỉnh xem xét, tiến hành ký kết với cơ quan tương ứng với nước bạn.
Về việc ký kết Thỏa thuận quốc tế của các đơn vị sự nghiệp công lập: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Các trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu là các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Tùy theo tính chất pháp lý, các văn bản thỏa thuận của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật chuyên ngành, quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đó điều chỉnh. Việc ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Việc ký kết Thỏa thuận quốc tế của các tổ chức phi Chính phủ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Vì vậy, về phạm vi chủ thể được ký Thỏa thuận quốc tế, xin Quốc hội cho được giữ như dự thảo.
Các đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng chiều ngày 13/11/2020.
Về bên ký kết nước ngoài (khoản 4 Điều 2): Có ý kiến đề nghị quy định tổ chức và cá nhân nước ngoài ký kết Thỏa thuận quốc tế phải có tư cách pháp nhân và năng lực pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: Trước khi ký kết Thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài, cơ quan đề xuất ký Thỏa thuận quốc tế có trách nhiệm tìm hiểu tư cách, địa vị pháp lý của đối tác nước ngoài nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu hợp tác quốc tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình. Do đó, xin được giữ Điều 2 như dự thảo Luật.
Về nguyên tắc ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế (Điều 3): Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch để bảo đảm sự giám sát của người dân; có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của cả bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài cần cam kết thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm Thỏa thuận quốc tế trên tinh thần hữu nghị, hợp tác tại khoản 7; có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “không có thái độ đúng mực đối với việc bên phía nước ngoài không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các Thỏa thuận quốc tế”.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định cơ quan ký kết Thỏa thuận quốc tế phải thực hiện việc sao lục, công bố, tuyên truyền, phổ biến Thỏa thuận quốc tế (khoản 3 Điều 42) để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế và chỉnh lý Điều 3, Điều 42 dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý cần có quy định phù hợp để bảo đảm nguyên tắc này khi hướng dẫn việc ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã ở khu vực biên giới quy định tại khoản 3 Điều 20 dự thảo Luật.
Về ngôn ngữ của Thỏa thuận quốc tế (Điều 7): Một số ý kiến đề nghị quy định Thỏa thuận quốc tế bắt buộc phải có văn bản tiếng Việt; phải có văn bản tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài. Có ý kiến cho rằng ngoài tiếng Việt, bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thể thỏa thuận sử dụng thêm ngôn ngữ khác. Tiếp thu ý kiến của các vị Đoàn Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định văn bản Thỏa thuận quốc tế phải bằng tiếng Việt để bảo đảm nguyên tắc tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia và phù hợp với thực tiễn ký kết Thỏa thuận quốc tế thời gian qua.
Về việc ký kết Thỏa thuận quốc tế (Chương II): Có ý kiến đề nghị làm rõ Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước và Thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ để tránh chồng lấn với điều ước quốc tế và thuận tiện khi áp dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: Thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ là các Thỏa thuận quốc tế không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo luật pháp quốc tế, không ràng buộc về pháp lý quốc tế như điều ước quốc tế, hiện nay phổ biến là Tuyên bố chung, Thông cáo chung.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp giấy ủy quyền ký Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ (Điều 10); đề nghị chỉnh lý Điều 10 dự thảo Luật thống nhất với Điều 22 Luật Điều ước quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo: Giấy ủy quyền quy định tại Điều 10 dự thảo Luật là văn bản đối ngoại do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp trên cơ sở quyết định của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và chỉ áp dụng trong trường hợp ký Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, không do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ký nhằm xác nhận sự ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh lý quy định tại Điều 10 theo hướng chỉ quy định về Giấy ủy quyền, chuyển nội dung ủy quyền lên khoản 4 Điều 9.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các đối tượng được ủy quyền ký kết Thỏa thuận quốc tế để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện, đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” sau cụm từ “ủy quyền cho người khác” cho chặt chẽ; thống nhất hình thức ủy quyền bằng văn bản hoặc quy định rõ “ủy quyền cho cấp phó”. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các điều luật có liên quan của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bảo đảm quy định chặt chẽ hơn và bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Có ý kiến đề nghị quy định việc rà soát, đối chiếu văn bản Thỏa thuận quốc tế cần được thực hiện đối với việc ký kết tất cả các loại Thỏa thuận quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Các cơ quan có trách nhiệm tiến hành rà soát kỹ lưỡng, chính xác văn bản trước khi ký Thỏa thuận quốc tế. Đối với Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, trong thực tiễn có trường hợp cơ quan trình không trực tiếp ký Thỏa thuận quốc tế đó nên dự thảo Luật quy định cơ quan trình phối hợp với Bộ Ngoại giao rà soát, đối chiếu văn bản Thỏa thuận quốc tế.
Có ý kiến đề nghị trước khi ký kết Thỏa thuận quốc tế cần lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tham mưu, tư vấn về pháp luật ở các cấp; đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể các lĩnh vực cần xin ý kiến Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, các lĩnh vực khác giao chủ thể ký kết Thỏa thuận quốc tế tự quyết định; đề nghị làm rõ việc lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi ký kết Thỏa thuận quốc tế và làm rõ vấn đề ưu tiên áp dụng trong trường hợp Thỏa thuận quốc tế mâu thuẫn với điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định việc lấy ý kiến Bộ Ngoại giao khi ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh các cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức. Việc lấy ý kiến Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan được thực hiện khi nội dung Thỏa thuận quốc tế có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đó. Nội dung của Thỏa thuận quốc tế phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, không có giá trị ràng buộc các chủ thể không ký kết nên không thể viện dẫn Thỏa thuận quốc tế để không thực hiện pháp luật Việt Nam hay điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và không đặt ra vấn đề ưu tiên áp dụng trong trường hợp Thỏa thuận quốc tế mâu thuẫn với điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Về ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (Điều 23): Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ký kết Thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức để bảo đảm việc áp dụng thống nhất. Có ý kiến cho rằng quy định về việc ký kết Thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư chưa rõ, chưa đủ hành lang pháp lý để thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: các Thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư cần lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư như quy định tại khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật.
Về chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện Thỏa thuận quốc tế (Điều 34): Có ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện Thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Thỏa thuận quốc tế hoặc trong quá trình thực hiện Thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc ký kết và thực Thỏa thuận quốc tế hoặc bên ký kết với nước ngoài vi phạm nghiêm trọng Thỏa thuận quốc tế. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn Thỏa thuận quốc tế (khoản 2 Điều 33) và trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện Thỏa thuận quốc tế (khoản 3 Điều 34).
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định Thỏa thuận quốc tế có thể bị chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện theo quy định của Thỏa thuận quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài (khoản 1 Điều 34) và bên ký kết Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực hoặc rút khỏi Thỏa thuận quốc tế nếu quá trình thực hiện có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này (khoản 2 Điều 34). Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn Thỏa thuận quốc tế và trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện Thỏa thuận quốc tế được tiến hành tương tự trình tự, thủ tục ký kết Thỏa thuận quốc tế kế thừa quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế năm 2007 và tương tự quy định có liên quan của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý về kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trân trọng tiếp thu và đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật và các cơ quan hữu quan tổ chức rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản trình Quốc hội. Với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49886