Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017

Chiều 11-6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu, với tỷ lệ 91,53% đại biểu tán thành, thông qua dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 là 1.683.045 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Cụ thể, kết quả biểu quyết: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 443 đại biểu tán thành (tương đương 91,53%); một đại biểu không tán thành (tương đương 0,21%); bốn đại biểu không biểu quyết (tương đương 0,83%).

Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Các đại biểu đã bỏ phiếu phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 với bốn nội dung:

1. Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.683.045 tỷ đồng, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018.

3. Bội chi ngân sách nhà nước là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 70.125 tỷ đồng; vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng.

4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1526/BC-UBTCNS14 ngày 17-5-2019 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, nhất là trong việc phân bổ, giao vốn, sử dụng, quản lý, quyết toán các công trình, dự án đầu tư công và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phân bổ, giao dự toán, điều hành chi để hạn chế thấp nhất việc phải chuyển nguồn kinh phí; ứng trước và thu hồi vốn ứng trước dự toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đẩy nhanh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước.

Đồng thời, có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước 31-12-2014; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giám sát và tổng hợp kết quả việc xử lý nợ đọng; cương quyết không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương vi phạm.

Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và tham nhũng; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Trước đó, về việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2017, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách tài khóa năm 2017 chưa thực sự hiệu quả, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, tỷ trọng các khoản thu từ đất đai, dầu thô và tài nguyên còn lớn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, mặc dù xét về tổng thể, tỷ trọng thu nội địa chiếm 80,3% tổng thu ngân sách nhà nước, tăng so với hai năm liền kề và cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (68%); thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào thu dầu thô, xuất nhập khẩu (chiếm khoảng 19,1%, thấp hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30,4%). Việc thực hiện chính sách tài khóa theo hướng chủ động, linh hoạt, chặt chẽ và tiết kiệm đã góp phần bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chiều 11-6.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chiều 11-6.

“Tuy nhiên, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, tỷ trọng thu nội địa còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 (84-85%), thu tiền sử dụng đất vượt khá cao so dự toán. UBTVQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Về các tồn tại, hạn chế, sai phạm trong quản lý ngân sách nhà nước, có ý kiến đại biểu cho rằng, Báo cáo quyết toán chưa nêu được tồn tại, hạn chế, bất cập; chưa đánh giá nguyên nhân và giải pháp. Nhiều tồn tại, hạn chế năm 2016 đã nêu nhưng vẫn để lặp lại trong quyết toán năm 2017.

Giải trình ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong năm tài khóa 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng chi sai chế độ vẫn còn tồn tại, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định,… UBTVQH cho rằng, việc để lặp lại các hạn chế này trong nhiều năm thể hiện kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước còn bất cập.

“Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để có những biện pháp quyết liệt hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước đồng thời, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 cần nhấn mạnh, báo cáo Quốc hội cụ thể các hạn chế, bất cập, nguyên nhân, biện pháp khắc phục, đặc biệt là đối với các hạn chế đã được nêu trong các báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước các năm 2016, 2017”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Cũng trong chiều 11-6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, với 448/451 đại biểu tán thành, tương đương 92,56%.

BÔNG MAI, Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40502202-quoc-hoi-phe-chuan-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2017.html