Quốc hội sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm, thảo luận về kinh tế - xã hội
Tuần này, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Hôm nay (29/5) Quốc hội khóa XV bước sang tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ năm.
Phần lớn thời gian của cả ngày làm việc đầu tiên được dành thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chuyên đề giám sát tối cao này của Quốc hội nhằm đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, kiến nghị giải pháp và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đối với việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2022.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng thời gian được tính từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2022.
Sáng 30/5, Quốc hội dành 1h30 phút thảo luận ở hội trường về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Đáng chú ý, chiều 30/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Lần sửa đổi này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung quy định về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.
Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.
Theo đó, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm gồm cả việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Kết quả công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, cũng là một tiêu chí quan trọng.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là nội dung cùng được thảo luận với dự thảo nghị quyết nói trên.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ dành hai ngày (31/5 và 1/6) thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia cũng được thảo luận vào chiều 1/6.
Trước đó, các nội dung này đã được thảo luận tại tổ trong tuần làm việc đầu tiên với nhiều lo ngại khi kinh tế có dấu hiệu suy giảm, khó khăn của doanh nghiệp vẫn nhiều lên mà hàng triệu tỷ đầu tư công lại đang tồn đọng.
Có vị đại biểu cho rằng, lâu nay, nhiều giải pháp chung chung, che chắn, bị động. “Chúng ta cứ đi thống kê rồi vui đột xuất, buồn đột xuất. Vui thì chúng ta vỗ tay, buồn thì chúng ta ngồi tìm cách giải thích”.
Theo một số vị đại biểu, đối với kinh tế, câu chờ xem sao của những người nắm nguồn lực của đất nước sẽ làm cho mất chi phí cơ hội, là mất đi thứ vô giá.
Câu chuyện về kinh tế vĩ mô, theo nhiều đại biểu khá là đau đầu. Nhưng nếu có giải pháp đồng bộ thì thời gian tới vẫn có thể bứt phá. Một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp được đề xuất và bàn thảo.
Các dự án luật được đặt lên bàn nghị sự tuần này gồm có Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).