QUỐC HỘI THẢO LUẬN CÁC NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Bên cạnh đó các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm trao đổi, tranh luận về nội dung chính sách đối với người có tài năng, phương thức tuyển dụng công chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức…

Quy định sao cho huy động được người tài vào bộ máy nhà nước

Liên quan đến chính sách đối với người có tài, đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, đặc biệt có nhiều đại biểu Quốc hội phát triển tranh luận và tranh luận nhiều lần. Theo đó nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với hướng quy định trong dự thảo Luật nhưng có nhiều đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm, mở rộng phạm vi để thu hút được người tài vào bộ máy nhà nước, phải có tiêu chí nhận diện người tài nhưng cũng có đại biểu cho rằng luật không nên quy định rườm rà mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, tán thành với nội dung bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cho rằng nội dung này tạo cơ sở cho việc sử dụng có hiệu quả những người có tài năng, cùng với đó cũng cần có quy định về kiểm định chất lượng đầu vào của công chức nhằm thể chế hóa Nghị quyết 26 của Trung ương nhằm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệm, trách nhiệm, năng động, minh bạch.

Cùng quan điểm, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng nếu làm tốt được các quy định này thì sẽ thu hút được nhiều người có tài năng vào bộ máy nhà nước và chất lượng thực thị công vụ các cấp sẽ được nâng lên. Tuy nhiên đại biểu cũng có rằng thực tế có một số quy định của pháp luật không được thực thi đầy đủ, chậm triển khai, không đi vào cuộc sống hay vận dụng không đúng dẫn đến bức xúc trong đội ngũ cán bộ, công chức và dư luận xã hội. Do đó, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh để thực hiện đúng tinh thần của chính sách trọng dụng người tài thì cần bổ sung trong Luật cơ chế phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan đơn vị, người có trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách, minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng dự thảo Luật vẫn còn những quy định chưa giải quyết được những vướng mắc hiện nay. Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng khái niệm người có tài trong hoạt động công vụ mà dự thảo luật đưa ra là rất khó xác định các yếu tố thế nào là người có trình độ, chuyên môn vượt trội, còn những người có đóng góp nhiều cho cơ quanm tổ chức lại không được ghi nhận. Đại biểu lo ngại xác định khái niệm như trong dự thảo luật sẽ nguy cơ trục lợi chính sách.

Đại biểu Lê Quang Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng Chính phủ cần có khung chính sách chung áo dụng đối với người có tài năng, quy định trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan tổ chức trong rà soát, phát hiện nhân tài trong hoạt động công vụ, quy định về chế độ đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, chế độ phúc lợi và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Còn đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, chỉ ra rằng, quy định của dự thảo luật chưa phân định được người tài trong lĩnh vực cụ thể như trong lĩnh vực chính trị là người khởi xướng được chính sách, trong điều hành phải tinh thông luật pháp, vận hành bộ máy, trong khoa học phải có phát minh sáng kiến, trong lao động phải lành nghề…Trong bối cảnh đất nước rất cần người tài thì luật phải xác định rõ để nhận diện được người tài.

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho rằng, nhân tài được quy định trong dự thảo luật là người đã là công chức trong bộ máy nhà nước, đã qua sử dụng thì phát hiện là người có năng lực vượt trội, trong khi đó còn điểm cần bàn là làm thế nào để huy động được nhân tài ở ngoài xã hội để huy động vào bộ máy nhà nước. Do đó, cần phải quy định vào phần giải thích từ ngữ hoặc điều khoản khác về khái niệm người có tài năng. Đại biểu Phan Thái Bình đề xuất hướng quy định về người có tài năng là người có nhân cách đạo đức trong sáng, thông minh, trí tuệ, có năng lực, có tư duy, có khả năng phát hiện dự báo tình hình từ đó mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.

Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, cũng lưu ý mục tiêu chính sách là vừa thu hút vừa trọng dụng được nhân tài. Dự thảo luật chưa có điểm mới để hướng người tài vào hệ thống công chức, tham gia bộ máy nhà nước. Do đó, về sử dụng nhân tài như nào cần có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công khai minh bạch và cạnh tranh, cơ chế đánh giá cũng cần xem xét phân loại thực chất gắn với hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh điều quan trọng khi sửa luật là phải tập trung giải quyết được vấn đề các quy định này đã đủ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ; chế độ chính sách có đảm bảo và có đủ sức răn đe, kỉ luật đối với cán bộ công chức, viên chức sai phạm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng nhiều vấn đề được đặt ra hiện nay nhưng dự thảo luật không đề cập đến như vấn đề từ chức, trách nhiệm của người đứng đầu… Đại biểu cũng đề nghị làm rõ tại sao có sự phân biệt hợp đồng việc làm trong quy định của luật này với hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động.

Kiến nghị phải có sự liên thông công chức cấp xã với công chức cấp quận/huyện, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng công chức cấp xã cũng cần được quy định trong luật này và không phân biệt giữa công chức cấp xã với công chức cấp trên. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - ĐBQH tỉnh An Giang cũng đề nghị Ban soạn thảo có giải trình về việc cùng nhiệm vụ, cùng trong bộ máy nhà nước nhưng lại có sự phân biệt, những người làm việc ở cấp xã lại không phải là công chức đầy đủ.

Liên quan đến kiểm định chất lượng đầu vào công chức đại biểu Tống Thanh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, đề nghị quy định rõ kiểm định chất lượng với đối tượng nào, thực hiện như thế nào và trường hợp ko đạt kiểm định thì xử lý như thế nào.

Ngoài ra, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương cũng chỉ rõ quy định về chuyển đổi viên chức và cán bộ công chức trong dự thảo luật còn quá chung chung, mới nêu khái quát, mà chưa minh bạch về cơ chế. Thực tiễn cho thấy việc chuyển đổi chưa thực hiện nghiêm ở một số địa phương đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác tổ chức cán bộ. Do đó, đề nghị quy định rõ điều kiện, trình tự thủ tục chuyển đổi…để chính sách pháp luật công khai, thuận tiện cho kiểm tra xử lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế những vấn đề được quy định trong Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 vừa qua và xử lý một số vấn đề vướng mắc trong thực tế để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực, trình độ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42509