Quốc hội thảo luận Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 13/6, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Dự án Luật được xây dựng hiện có bố cục gồm 10 chương với 136 điều, quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức TTCK; quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên TTCK Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK.
Phát biểu thảo luận, đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình về xây cần thiết xây dựng và ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi); cho rằng luật này được ban hành sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của TTCK nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cách mạng 4.0; đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Nhiều ý kiến đề xuất, việc xây dựng luật phải đáp ứng được yêu cầu bảo đảm TTCK hoạt động minh bạch, bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại; tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, xu hướng phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với các Luật liên quan đã và đang trong quá trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác; tương thích với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh; sửa đổi quy định chưa rõ, bất cập; loại bỏ những quy định không còn phù hợp; luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế; xử lý những vướng mắc, hạn chế hiện nay của TTCK.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập khi thảo luận về dự án luật là quy định liên quan đến vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Điều 9 của dự thảo Luật).
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nên trực thuộc Bộ Tài chính như Luật hiện hành vì báo cáo tổng kết đánh giá 10 năm thi hành Luật chứng khoán và thực tế việc quy định UBCK thuộc Bộ Tài chính không có vướng mắc, khó khăn gì lớn; hồ sơ trình Dự án Luật của Chính phủ không có phương án quy định UBCKNN thuộc Chính phủ nên không có nghiên cứu đánh giá tác động về phương án này; Dự luật đã theo hướng mở rộng và trao quyền chủ động cho UBCKNN trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động về chứng khoán và tổ chức thị trường chứng khoán. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định thêm tính độc lập và chủ động hơn nữa cho UBCKNN.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cần tăng vai trò trách nhiệm của UBCKNN trong việc kiểm soát thông tin đối với các báo cáo độc lập, cũng như tăng cường vai trò trách nhiệm của Ủy ban này trong hoạt động minh bạch hóa thị trường…
Về mô hình tổ chức của UBCKNN, theo Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án Luật thì hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của Ủy ban này, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng để bảo đảm ổn định, UBCKNN trước mắt vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần tăng thẩm quyền quản lý nhà nước và bảo đảm tính độc lập trong hoạt động.
Quan điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết. Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của UBCKNN và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng khoán và TTCK./.