Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Ngày 8/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Quảng Trị và Bình Dương đã tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu chủ trì buổi thảo luận tổ.

Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu chủ trì buổi thảo luận tổ.

Các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản. Những ý kiến thảo luận tập trung vào các vấn đề liên quan đến: Tài sản đấu giá; xử lý tiền mặt đặt trước; quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá và bổ sung quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia.

Đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia tại dự thảo Luật nhằm phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như: Bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng đấu giá tài sản quốc gia... Cần làm rõ quy định về “nộp tiền đặt trước” để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ Luật Dân sự; đồng thời xem xét quy định việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; việc quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá... Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá. Có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định về tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê như dự thảo Luật vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành (ví dụ như đất đai, viễn thông, tần số vô tuyến điện, khoáng sản...) phải sửa đổi, bổ sung; đồng thời khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai. Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nghiên cứu quy định chế tài xử lý vi phạm theo hướng không cho tham gia đấu giá trong một thời hạn bên cạnh việc hủy kết quả trúng đấu giá, đồng thời quy định rõ trách nhiệm cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá (UBND cấp tỉnh hoặc huyện).

Về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Các đại biểu thống nhất cao việc sửa đổi dự án Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-dau-gia-tai-san-va-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep/201725.htm