Quốc hội thảo luận Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư
PTĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV, sáng 19/11 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua nghiên cứu dự thảo luận, các đại biểu đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình và yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua vào dự án Luật, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch của Luật được ban hành. Đối với các nội dung không thể quy định chi tiết tại dự án Luật, cần nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn kèm theo nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật theo quy định.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết: Việc thực hiện các dự án PPP thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém nhưng hình thức các dự án PPP khác nhau có yếu kém khác nhau, nhiều bất cập đã được khắc phục bằng các văn bản dưới luật. Vì vậy ngoài quy định chung, dự Luật phải có quy định riêng phù hợp với từng hình thức dự án: BOT phải có điểm khác; BT thanh toán bằng quỹ đất phải có điểm khác và phải luật hóa các quy định phù hợp với các văn bản dưới luật đã ban hành. Theo đại biểu, một dự án BT thành công không chỉ là có thêm một công trình mà phải là một dự án tận dụng tối đa ưu điểm, hạn chế tối thiểu các khuyết tật của dự án PPP, không gây bức xúc cho xã hội và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; bản chất của dự án BT là nhà đầu tư bỏ vốn ra với kỳ vọng là thu được lợi nhuận, nguồn tiền để trả nhà đầu tư là tiền tài sản của nhà nước hoặc tiền phí người dân nộp chứ không có nguồn tiền nào khác. Thực tế đó đặt ra yêu cầu dự Luật phải quy định để nhà đầu tư thu lợi nhuận phù hợp nhưng số tiền tài sản nhà nước bỏ ra hoặc người dân phải nộp là hợp lý, tối thiểu nhất.
Cho rằng, dự thảo Luật còn chung chung, nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định, vì vậy đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát được các vấn đề: Thứ nhất, dự Luật phải có quy định để dự toán được chi phí cần bỏ ra để có công trình. Thứ hai, dự luật phải quy định được khung xây dựng phương án tài chính để dự tính sát nguồn thu và có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp. Thứ ba, ngoài cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập từ bên ngoài từ khâu dự toán, đến quyết toán để xử lý vi phạm và phân chia chính xác lợi ích chi phí của nhà đầu tư, nhà nước, người dân. Thứ tư, Luật hóa các quy định đã được kiểm nghiệm thực tế, quy định rõ trong dự Luật các đặc thù cho từng hình thức dự án PPP…
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại hội trường đã được tổng hợp, ghi chép đầy đủ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để làm việc và thảo luận, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, để Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9.