Quốc hội thảo luận Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Chiều 24-10, tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ).

Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: CTV

Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: CTV

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Điều này nhằm thực thi Hiến pháp năm 2013 và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Mặt khác, ngày 23-11-2012, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; ngày 5-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án QĐND Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo; ngày 30-10-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo.

Đây là những chủ trương quan trọng để Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nhân sự để tham gia theo lộ trình đã được nêu trong Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, phát huy các lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam như quân y, công binh, hậu cần, cảnh sát... để đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, thực tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở LHQ. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc QĐND Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và LHQ cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Thảo luận Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý đưa lực lượng đi tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ; phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp 2013; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, do đó, đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Kỳ họp thứ 10.

Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), việc tham gia gìn giữ hòa bình LHQ hoàn toàn mang tính chất nhân đạo, phù hợp với Điều 65, Điều 89 của Hiếp pháp 2013 và kết quả tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ, góp phần rất lớn hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần có chính sách phù hợp đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ. Theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), cần tăng cường chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, tham gia nhiệm vụ này, cán bộ, chiến sĩ phải hoạt động ở những quốc gia có điều kiện khó khăn, địa bàn có xung đột vũ trang... có thể nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Vì vậy, ngoài những chính sách của LHQ, Việt Nam cần có những chính sách đặc thù cho cán bộ, chiến sĩ đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, để cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quoc-hoi-thao-luan-nghi-quyet-ve-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-post434454.html