Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, sau khi nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và dự án Luật Dẫn độ, Quốc hội tập trung thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội - Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Theo tờ trình của Chính phủ trình tại kỳ họp, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư của cá nhân, sự bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín, quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Dự luật cũng nhằm cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư, an ninh mạng, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, trực tiếp là Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Luật Dữ liệu 2024, Luật An ninh mạng 2018, Luật An toàn thông tin mạng 2015.

Cũng theo tờ trình của Chính phủ, có 4 cơ sở thực tiễn lớn trong đề xuất xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân:

Thứ nhất là hạn chế, bất cập của quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có tới 69 văn bản liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm, nội dung, nội hàm và biện pháp bảo vệ, mới chỉ có 1 văn bản là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng chưa có văn bản Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội - Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội - Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thứ hai, những vấn đề mới phát sinh về bảo vệ dữ liệu cá nhân đặt ra yêu cầu giải quyết thông qua việc ban hành Luật, như thực trạng thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân, thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; tình trạng chiếm đoạt, chuyển giao trái phép, mua, bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức, tràn lan, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế về bảo vệ dữ liệu cán nhân khi đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều văn bản có quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Thứ tư, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động sử dụng dữ liệu cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi dữ liệu cá nhân được coi là một trong những tư liệu sản xuất chính để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực tạo ra giá trị lợi nhuận cao trong nền kinh tế quốc dân.

Trước đó, Dự án Luật Bảo vệ cá nhân cũng được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 12/5, có 97 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý qua các ý kiến đóng góp của đại biểu, dự luật này hiện còn 5 chương, 47 điều, giảm 2 chương và 21 điều so với dự luật được Chính phủ trình tại kỳ họp./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/quoc-hoi-thao-luan-o-hoi-truong-ve-du-an-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-a195856.html