Quốc hội thảo luận sôi nổi về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
* ĐBQH Nguyễn Tạo: 'Cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao'
(LĐ online) - Chiều ngày 29/10, tiếp tục chương trình nghị sự quan trọng của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nghe Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh và đại diện các sở, ngành liên quan.
Các ĐBQH trong cả nước tiến hành thảo luận ở tổ về các vấn đề nêu trên.
Về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban Kinh tế nhất trí đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội một cách đúng hướng, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,27% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch, trong đó có 05 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra, cho thấy việc triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, có sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc không hoàn thành 05/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.
Việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ba trọng tâm không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 là “Hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác”. Cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển biến chậm. Việc ban hành và triển khai các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch còn chậm. Thiếu cân đối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, mới tập trung chủ yếu vào đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy; kết nối còn hạn chế là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng chi phí vận tải Logistics. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa hiệu quả, chưa tạo được nền tảng để năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chưa tận dụng được cơ hội chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thảo luận tại Tổ Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, ĐBQH Nguyễn Tạo bày tỏ quan điểm: Tôi cơ bản thống nhất về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch, đặc biệt là xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dung, trần nợ công giảm, kiềm chế lạm phát (xuống 55,3%). Cơ cấu lại nền kinh tế, từng bước xác lập quan hệ, từng bước khẳng định vai trò của Việt Nam trên thế giới (gia nhập CPTPP, năng suất lao động tăng cao, vốn FDI chuyển từ các nước về nước ta, đặc biệt là kiều hối tăng dần khẳng định nguồn lực dự trữ quốc gia tăng lên). Tuy nhiên còn 05 mục tiêu chưa hoàn thành giai đoạn trước, cần nhìn rõ những nguyên nhân: Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, nhập – tách; Tổ chức cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm do thất thoát tài sản là quyền sử dụng đất, bất động sản tương đối lớn; Cơ cấu lại đầu tư công dàn trải, hàng loạt đầu tư công bị ngưng lại như: đường tránh QL 27 Lâm Đồng sau khi có NQ 11 bị ngưng trệ…; Tiến độ giải ngân đầu tư công rất chậm 60-66%; Các dự án kéo dài (12 dự án Bộ Công thương), không tổ chức sản xuất, đặc biệt nhà máy gang thép Thái Nguyên; 05 dự án cử tri rất bức xúc (Hà Nội 3 dự án, thành phố Hồ Chí Minh 02 dự án) đội vốn...
Việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo NQ Trung ương VII còn chậm, chi đầu tư phát triển thấp, chi thường xuyên lớn, cần đổi mới, sắp xếp con người, cơ sở vật chất, an sinh xã hội… cần tính toán trong thời gian tới. Cơ cấu kinh tế 2021-2025: theo tinh thần văn kiện Đại hội Đảng XIII, văn kiện kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; phát huy kinh tế đô thị trong thời gian tới (NQ đặc thù, Luật Thủ đô, chính quyền đô thị) thí điểm bỏ HĐND cấp phường (Đà Nẵng, Hồ Chí Minh), nâng cao sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp; duy trì chỉ tiêu kinh tế 2020, năm 2021 mặc dù khó khăn nhưng vẫn duy trì thị trường xuất khẩu Châu Âu, nghị định thương mại đa phương thế hệ mới CPTPP, FTA. Ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm tăng trưởng xanh, duy trì chiến lược đất đai, bảo vệ môi trường, môi sinh tiến tới tổng kết Nghị quyết số 19 của Trung ương, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai…
Đại biểu cho rằng: Đánh giá hậu Covid-19 tác động đến mục tiêu phát triển 2021-2025: Phải đánh giá toàn diện, có tổng kết tổng thiệt hại các vấn đề như: Doanh nghiệp không thể phục hồi sản xuất, vỡ nợ; an sinh xã hội; việc giảm thuế, giá vật liệu, vật tư nông nghiệp tăng, y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, độ phủ vắc xin rất thấp (Đồng bằng sông Cửu Long)… dự liệu năm 2022 và các năm tiếp theo để cân nhắc nguồn lực, sự điều hành của Chính phủ, từ đó Quốc hội, Chính phủ tìm ra những chiến lược mang tính lâu dài. Kinh tế số đã mang lại những điều hết sức kỳ diệu, học sinh đã được học online, mặc dù vất vả nhưng đã mang lại tư duy mới 4.0. Bên cạnh đó, báo cáo chưa nói rõ công khai hóa, minh bạch số hóa diện tích từng loại đất (đất rừng nghèo kiệt, đất ở, đất nông nghiệp chung và đất nông nghiệp trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, lâu năm, đất an ninh quốc phòng…) để phân biệt ai là người sử dụng, từng cơ quan quản lý được chính xác vì lộ trình số hóa đã đưa ra từ lâu nhưng triển khai rất chậm. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm điều tiết ngân sách nhất định để số hóa, bảo đảm cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng.