Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội

PTĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 03.11 Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đề cập đến tốc độ tăng tưởng kinh tế của Việt Nam. Trước sự tác động của đại dịch Covid-19 mạnh mẽ trên toàn thế giới với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Đồng tình với nhận định, đại biểu Cao Đình Thưởng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trong việc phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát trở lại, không để tình trạng chủ quan trong quản lý dịch bệnh ở các địa phương.Về công tác triển khai chính sách, các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội được triển khai trong thời gian qua đã thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhằm chia sẻ gánh nặng, khó khăn với người dân, doanh nghiệp là rất kịp thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên qua thực tế triển khai vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng. Minh chứng cho quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả việc thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch Covid 19, đặc biệt là doanh nghiệp, người lao động trực tiếp vì tiến độ thực hiện chậm, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập và lúng túng trong việc thực thi, ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tính toán của VCCI, cho đến giữa tháng 9, chỉ có khoảng 3% DN nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này.Đề cập đến vấn đề tăng cường cơ chế tự chủ cho chính quyền địa phương. Đại biểu Thưởng cho rằng cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa trong một số lĩnh vực như ngân sách, đầu tư và khoáng sản để các địa phương chủ động trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, theo đó đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến cấp phép, quản lý, khai thác, chế biên khoáng sản vì dù đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng trong quá trình thực thi Luật đã bộc lộ một số điểm bất cập cần hoàn thiện như: Thời gian cấp phép khai thác, thăm dò khoáng sản còn dài, nhiều đầu mối; chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác… Đặc biệt, trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố nhất là đối với hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa có quy định cụ thể. Qua đây đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần đẩy mạnh kết nối, liên thông, giảm thủ tục hành chính, xóa dần rào cản, hợp tác, tránh “quyền anh, quyền tôi” giữa các Bộ như hiện nay.Liên quan đến thiên tai và biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng thảm họa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi nào nếu chúng ta không thay đổi. Nhiều ý kiến cho biết, bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra như một quy luật của thiên nhiên, vì vậy không thể sử dụng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này qua năm khác. Các đại biểu đề nghị phải có chiến lược lâu dài để khắc phục hậu quả nặng nề của bão lụt, chiến lược này phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia với sự góp ý của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thỏa thuận với các nước ở thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam, đến những việc cấp thiết hiện nay như xây dựng bản đồ sạt lở, xây nhà chống lũ, hệ thống cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn… Có như vậy người dân, ở đây chủ yếu là người nghèo, yếu thế, các lực lượng chức năng quân đội, công an mới không phải chịu tổn thất vô cùng đau xót như vừa qua.Về một số vấn đề mà cả xã hội hết sức quan tâm liên quan đến ngành Giáo dục và Đào tạo đó là vấn đề giáo dục nghề nghiệp và sách giáo khoa. Các đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương có chính sách cụ thể, hiệu quả trong phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và sắp xếp lại và đầu tư có trọng điểm, thật hiện đại cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, khuyến nghề (mà hiện nay chỉ nặng về khuyến học, khuyến tài) để tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao. Đề cập đến sách giáo khoa, đại biểu Thưởng cho biết: vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, tiếp thu ý kiến các đại biểu theo hướng cầu thị, song SGK vẫn là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, bất an, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường, học sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn, vì SGK là tài liệu dạy và học của quốc gia, phải thống nhất toàn quốc. Nếu mở rộng xã hội hóa biên soạn sách SGK sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, sẽ bị lạm dụng, sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, do vậy đại biểu đề nghị hãy hành động khi vẫn còn chưa muộn.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202011/quoc-hoi-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-kinh-te-xa-hoi-173740