Quốc hội thảo luận tại tổ
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Quảng Trị và Bình Dương thảo luận Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận tổ.
Về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Các đại biểu thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các CTMTQG.
Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm: Các ý kiến thống nhất với quy định “HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng CTMTQG chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định”. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định phân cấp giao cho UBND tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương năm tiếp theo để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội: Hiện Luật đầu tư công và Luật ngân sách Nhà nước chưa có quy định cụ thể về bố trí vốn đầu tư công tự cân đối của địa phương để ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Việc Chính phủ đề xuất chính sách trên để cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... tương tự chính sách quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Các ý kiến đều thống nhất và cho rằng, quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp, để tăng vốn cho vay ưu đãi.
Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công hàng năm đối vơi dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, có ý kiến đề nghị UBND tỉnh phải có danh mục dự kiến kèm theo kinh phí để có cơ sở phân bổ vốn...
Đối với nội dung còn lại, các ý kiến đề nghị việc phân bổ, bố trí sử dụng dự phòng chung KHĐTCTH vốn NSTW cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến việc phân bổ 2.526 tỉ đồng trong tổng số vốn 37.303 tỉ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các ý kiến đồng tình và cho rằng: Quyết định này là rất cần thiết, vừa phục vụ quốc phòng, dân sinh lẫn du lịch. Tuy nhiên, phải làm rõ số vốn 37.303 tỉ đồng lấy từ đâu; cần đánh giá kỹ, vì giữa đất liền ra đảo còn liên quan hệ thống đường trên biển, tránh đánh giá không đầy đủ dẫn đến đội vốn, kéo dài, chậm tiến độ dự án.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/quoc-hoi-thao-luan-tai-to/205569.htm