Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 01/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên thảo luận.

Phiên thảo luận tại Tổ do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì.

Phiên thảo luận tại Tổ do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì.

Đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự, các ý kiến ĐBQH đồng tình với sự cần thiết xây dựng luật để đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng thủ đất nước.

Tham gia ý kiến đối với dự án Luật này, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Phó Tư lệnh Quân khu 1 Hoàng Văn Hữu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh; đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo đã hoàn thành dự thảo luật này trong thời gian rất ngắn. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số nội dung cụ thể về giải thích từ ngữ; đề nghị quy định rõ hơn về lực lượng phòng thủ dân sự; ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự; diễn tập phòng thủ dân sự; phân công, phân cấp trách nhiệm phòng thủ dân sự; về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; xác định lực lượng nòng cốt trong phòng thủ dân sự.

Đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả.

Các ĐBQH dành nhiều sự quan tâm đối với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tránh việc thay đổi ảnh hưởng phát sinh thêm các chi phí. Có ý kiến đề nghị giữ tên gọi là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác để đảm bảo tính bao quát.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo rà soát lại các nội dung về giải thích từ ngữ, đánh giá cụ thể hơn về việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật, trong đó có các điều khoản quy định về Liên đoàn Hợp tác xã, nhất là cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã; có ý kiến đại biểu đồng tình với việc bổ sung các quy định thành lập Liên đoàn Hợp tác xã vì cho rằng việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã là cần thiết và đã có đủ căn cứ pháp lý cho việc thành lập.

Tham gia ý kiến đối với dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về tăng cường nguồn lực cho cơ quan QLNN về kinh tế tập thể ở địa phương; quy định rõ hơn trong luật hoặc nghị định về việc phân loại, đánh giá hợp tác xã và có cơ chế miễn thuế môn bài, giảm thuế GTGT đối với các hợp tác xã trong 02 năm đầu mới thành lập...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung về những hành vi bị nghiêm cấm; tiêu chí thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác; về kiểm soát viên…

Sáng cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu./.

Lục Thúy

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/tin-noi-bat/202211/quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-hop-tac-xa-sua-doi-va-du-an-luat-phong-thu-dan-su-9140ce5/