Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Sáng 26-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội) cho rằng, qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố thời gian qua, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Với cơ chế này đã thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội để tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại. Đồng thời, góp phần làm giảm các tranh chấp, khiếu kiện phải giải quyết bằng con đường xét xử. Phương thức này cũng để giải quyết các tranh chấp luôn tồn tại, mà vẫn phù hợp với truyền thống tâm lý, tình cảm người Việt. Đặc biệt, hầu hết các bên trong tranh chấp dân sự là những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, bạn bè, đối tác kinh doanh, do đó, việc hòa giải, đối thoại sẽ là cơ hội để các bên ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, bày tỏ tâm tư tình cảm của mình, từ đó giúp các bên thiện chí giải quyết các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh...

Từ những phân tích trên, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao đối với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, với mong muốn hòa giải, đối thoại sẽ được người dân lựa chọn đầu tiên khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

 Đại biểu Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 6) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo Tờ trình, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong dự thảo Luật.

Đồng tình với quan điểm như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội) phân tích, việc nhà nước bảo đảm kinh phí cho các hoạt động hòa giải, đối thoại là thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta cũng như trách nhiệm của nhà nước trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội. Đồng thời, góp phần khuyến khích các bên lựa chọn cơ chế, sử dụng hòa giải, đối thoại tại tòa án khi giải quyết các mâu thuẫn, phát sinh. Ngoài ra, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm...

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) thì nêu quan điểm, vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Tuy nhiên, theo đại biểu, về lâu dài khi luật đi vào hoạt động có hiệu quả trong thực tế, thì có thể cân nhắc những khoản phí với mức thu hợp lý. Bởi vì, theo báo cáo đánh giá tác động, mức chi phí cho một vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành là 1,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà nước còn phải chi trả những chi phí khác như phí hành chính, phí về cơ sở vật chất, chi phí đi lại....

Trong khi đó, với con số 36.985 vụ việc/47.493 vụ việc hòa giải, đối thoại thành ở 16 tỉnh, thành phố cho thấy số vụ cần hòa giải, đối thoại trong một năm là rất lớn, với chi phí lớn. Do đó, đại biểu kiến nghị, đến lúc nào đó cần có mức thu hợp lý để chia sẻ với ngân sách nhà nước đối với 2 trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại. Đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng mở là, phí hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định phù hợp theo từng thời kỳ với một số đối tượng nhất định và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định- đại biểu đề xuất.

 Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Đáng chú ý, về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên (Điều 9), dự thảo Luật quy định: Ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì những người là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) lý giải, quy định như trên là phù hợp nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên. Bởi lẽ, đây là chế định đặc biệt đòi hỏi người có chuyên môn sâu và cũng là xuất phát từ thực tế số các vụ việc hòa giải về dân sự, kinh doanh thương mại, lao động hay các vụ việc liên quan đến tranh chấp về chia thừa kế, nhà đất... gặp nhiều khó khăn trong hòa giải, đòi hỏi kỹ năng, trình độ của hòa giải viên.

Cùng quan điểm, nhấn mạnh việc lựa chọn đội ngũ hòa giải viên có nhiệt huyết, trình độ là cần thiết, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) nhấn mạnh: Để có thể giúp các đương sự hiểu, thông cảm cho nhau, giảm bớt mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm thì đòi hỏi những hòa giải viên có bề dày kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật, hiểu biết xã hội, nắm bắt được tâm lý của các đương sự... Do đó, quy định về khoảng thời gian kinh nghiệm tối thiểu là 10 năm trong lĩnh vực công tác đối với đội ngũ Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn là phù hợp.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-603608