Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Sáng 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản
Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này. Theo đó, có 107 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, góp phần vào công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, phòng, chống tham nhũng và bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) đề nghị, để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, cần bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại Khoản 2, Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.
Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên - Huế) bày tỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản. Đại biểu cho rằng, giao dịch trên nền tảng online rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới, việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án luật bổ sung cụm từ "hoặc các giao dịch khác" vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết xây dựng dự án luật. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 7 dự thảo luật quy định về việc đánh giá rủi ro ngành là một nội dung mới chưa được quy định trong luật năm 2012. Đại biểu cho rằng, việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên.
Đại biểu cho rằng, việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động của thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Do vậy, việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là rất cần thiết.
Làm rõ khái niệm “rửa tiền” trong dự thảo luật
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng dự thảo luật cần làm rõ hơn khái niệm “rửa tiền”, để làm rõ hơn bản chất của hành vi này.
Về biện pháp phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung về xác định khách hàng giao dịch không thường xuyên tại Điểm b, Khoản 2, Điều 9, cần giải thích rõ khách hàng giao dịch không thường xuyên là các tài khoản không giao dịch trong thời gian bao lâu, cần xác định thời gian cụ thể để được hiểu thống nhất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ, biện pháp để giám sát, cảnh báo, điều tra kịp thời.
Góp ý vào dự thảo luận, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, thực tế đấu tranh phòng, chống rửa tiền trong 10 năm qua có nhiều diễn biến, Ban soạn thảo nên cập nhật và mô tả khái niệm rửa tiền trong luật này rõ ràng hơn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu Điều 324 của Bộ luật Hình sự hiện hành để có sự tương thích về khái niệm rửa tiền giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Theo đại biểu, trong Bộ Luật Hình sự, khái niệm rửa tiền đã chỉ rõ khi khởi tố bị can, bị cáo và người phạm tội đã xác định và người chấp hành án (có nghĩa là có dấu hiệu rõ ràng). Còn khái niệm “đáng ngờ”, đại biểu cho rằng nên mở rộng ra những đối tượng trước khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan pháp luật để bảo đảm không để lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tệ nạn rửa tiền tốt hơn.
Liên quan đến dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, hiện Công an thành phố Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng, chống rửa tiền nói riêng thời gian qua, nổi lên là hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị, cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán, có khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả. Đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 dự thảo luật này để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.
Báo cáo giao dịch đáng ngờ
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 24-10 cũng như tại hội trường. Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật này là các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng, các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật. Vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Các đại biểu quan tâm đến cái dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam. Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận có 22 đại biểu phát biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, giải trình rõ một số ý kiến đại biểu quan tâm. Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.