Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 26/5, Quốc hội nghe báo cáo về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và thảo luận một số nội dung dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua 12 năm thực thi, đã góp phần thay đổi mạnh mẽ hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc cho sự phát triển công tác này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, do nhu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các quy định mới trong Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, và trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi luật này, cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được kịp thời sửa đổi, hoàn thiện.
Ngày 26/9/2022, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 năm 2022. Tại đây đã có 148 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở tổ và 23 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại hội trường. Đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Luật.