Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Căn cước

BHG = Sáng 25.10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Căn cước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. Trước khi tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật Căn cước, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: CTV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: CTV

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CTV

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CTV

Phát biểu thảo luận đầu tiên tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo Luật này… Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 dự thảo Luật. Đồng thời có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: CTV

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: CTV

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt theo hướng khi người dân tự nguyện hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt như đối với AND và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật và Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham dự phiên họp. Ảnh: CTV

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham dự phiên họp. Ảnh: CTV

Đại biểu Trần Thị Kim Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong chọn lựa thông tin cố định lưu trữ, mã hóa, tích hợp trong thẻ căn cước. Theo đại biểu, dự thảo luật không bổ sung quy định quyền yêu cầu cơ quan quản lý về căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin tại khoản 1 Điều 5. Như vậy, công dân không có quyền và trách nhiệm chủ động đến cơ quan quản lý căn cước để cập nhật khi thông tin trong thẻ căn cước thay đổi, trong khi thông tin trong thẻ căn cước có nhiều thông tin động, thay đổi thường xuyên. Điều đó dẫn đến nảy sinh nhiều sai lệch thông tin trong giao dịch, khi công dân sử dụng thẻ căn cước, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức liên quan.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho rằng thông tin về nguyên quán cần được thêm vào thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin của căn cước. Đại biểu làm rõ nguyên quán, quê quán, nơi sinh có khi giống nhau nhưng không phải là 1. Do đó, có thông tin về nguyên quán mới thuận lợi cho công dân. Về chuyển đổi giới tính, dự thảo Luật đưa vào khá rõ ràng tạo thuận lợi hơn trong quá trình soạn thảo Luật Chuyển đổi giới tính khi đã có quy định về người chuyển giới.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng tình với quy định sử dụng thẻ căn cước gắn chip được tích hợp thông tin nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch khác, không xung đột với các quy định chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên, không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước có liên quan với các giấy tờ đang quản lý trong điều kiện bảo đảm bảo mật an toàn thông tin cho đối tượng có thẻ.

Đánh giá cao dự thảo trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có nhiều bước đổi mới trong quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước. Đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước là phù hợp, vì đối tượng áp dụng của Luật không chỉ là công dân Việt Nam, mà còn là người gốc Việt, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng đề nghị dự thảo luật bổ sung nghĩa vụ phải chấp hành quyết định và xử phạt hành chính người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước. Hiện quy định tại Điều 10 Nghị định số 114. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các thông tin sau vào Điều 9 dự thảo luật, gồm sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, giấy tờ hộ tịch được cấp, để cập nhật đầy đủ các thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dân cư.

Kết thúc phiên họp buổi sáng, có gần 20 lượt đại biểu tham gia thảo luận và tranh luận. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên họp.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202310/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-can-cuoc-43f71aa/