QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI HÀ NỘI

Sáng ngày 12/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội

Trước đó tại phiên họp toàn thể hội trường sáng ngày 9/6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn: (i) Thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật Phí, lệ phí; (ii) Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%).

Để tạo điều kiện cho Thành phố có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh); được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Chính phủ trình Quốc hội quy định Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng. Quy định Hà Nội được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Thành phố được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: Phòng cháy, chữa cháy, thu gom xử lý rác, cấp nước, thoát nước, điện, các phương tiện, thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do Thành phố quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Được sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác; cho phép các quận, huyện sử dụng ngân sách của cấp huyện để hỗ trợ các quận, huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ trình Quốc hội nâng mức trần dư nợ vay của Thành phố từ 70% lên 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; cho phép Thành phố được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% so số dư Quỹ dự trữ tài chính của Thành phố đến ngày 31 tháng 12 năm trước.

Ngoài ra, Nghị quyết còn quy định thời gian thực hiện thí điểm là 05 năm và xác định rõ trách nhiệm củaThành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết. Quy định việc giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nhằm tạo điều kiện phát triển thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của đất nước, khẳng định vai trò đầu tàu động lực kinh tế của Thủ đô Hà Nội ở phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng cơ chế này sẽ góp phần huy động được nguồn tài chính, theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho thành phố phù hợp với thực tế phát triển. Đại biểu nhấn mạnh đứng trước mục tiêu đến 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là động lực phát triển của vùng và của cả nước, tiếp tục phát triển nhanh bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn, trở thành đô thị phát triển năng động hiệu quả có sức cạnh tranh. Do đó ban hành chính sách riêng đối với Hà Nội là cần thiết.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng việc giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí là phù hợp, đồng thời đề nghị cân nhắc quy định mức phí một cách hợp lý, có sự đồng thuận của người dân. Nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm nên cần quan tâm đến phát vùng, hỗ trợ các địa phương lân cận, do đó thực hiện cơ chế chính sách cần quan tâm hơn hữa đến phát triển vùng thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng đề nghị cân nhắc sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô một cách kịp thời.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hiện nay chưa có đánh giá tổng kết để điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô, thì việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù lần này là thử nghiệm để có thêm cơ sở đánh giá các nội dung mới, có thể đưa vào sửa đổi Luật.

Ngoài ra, trong phần phát biểu của mình, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ nhất trí cao với các cơ chế chính sách về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội. Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho biết trong số 09 cơ chế Chính phủ trình Quốc hội thì có đến 07 cơ chế là tương đồng với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Đối với 02 nội dung khác, đại biểu Hoàng Văn Cường làm rõ, việc cho phép Hà Nội sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu thực chất là tiết kiệm chi thường xuyên để chi đầu tư. Đây là điều rất cần khuyến khích. Đối với cơ chế sử dụng ngân sách Thành phố hỗ trợ các địa phương khác thể hiện được tinh thần “cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng các cơ chế chính sách đặc thù quy định cho Hà Nội là phù hợp

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng các cơ chế chính sách đặc thù quy định cho Hà Nội là phù hợp

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thêm, các cơ chế chính sách đã áp dụng thí điểm với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 hiện áp dụng hiệu quả, dần phát huy trên thực tế như việc bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí. Nếu xác định mức phí, lệ phí phù thuộc vào nhu cầu phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả, phù hợp với từng khu vực sẽ góp phần tạo ra được dịch vụ công tốt hơn.

Về việc ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết quy định này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch các cơ sở sử dụng các tài sản đất đai không hiệu quả. Hay như đối với đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và khuyến khích địa phương hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tốt hơn và khi cổ phần hóa thu được giá trị cao hơn.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị lưu ý đến vấn đề là làm sao phát huy tiềm lực của Thủ đô, xác định rõ xin cơ chế khác với xin nguồn lực, do đó phải có đánh giá rõ ràng để không làm ảnh hưởng đến nguồn lực cho những khu vực khác. Đại biểu cho rằng để thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách đặc thù này, điều quan trọng là phát huy vai trò cấp ủy chính quyền và người lãnh đạo của Thành phố cũng như sự phấn đấu của toàn bộ người dân.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=46256