Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Sáng ngày 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau như về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức hoạt động và chức năng đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam…

Thảo luận tại hội trường, các nội dung này tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Các đại biểu cũng đánh giá cao dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở quá trình kế thừa, đáp ứng yêu cầu thể chế đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường, cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuân lợi, minh bạch, tiệm cận thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của hiện hành.

Đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Liên quan đến mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng. Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, nếu Dự thảo chỉ quy định một sở giao dịch chứng khoán duy nhất với tên là Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là cứng nhắc, không lường hết được các trường hợp phát sinh mới. Hiện nay, Sở giao dịch chứng khoán đang tổ chức thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh, sau này có thể có thể sàn giao dịch chứng khoán phái sinh hàng hóa thì khi đó tên của sở giao dịch sẽ là gì? Do đó, đề nghị cân nhắc kỹ quy định. Cùng với đó, về tổ chức, sắp xếp lại các Sở giao dịch chứng khoán để bảo đảm hoạt động có hiệu quả là yêu cầu hết sức cần thiết, đại biểu cho rằng thẩm quyền này nên giao cho Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chủ động trong điều hành, tổ chức triển khai thực hiện.

Bày tỏ nhất trí cao với hướng tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cũng cho rằng quy định về mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán như dự thảo Luật chưa đáp ứng khuôn khổ pháp lý cho Sở giao dịch chứng khoán tổ chức và vận hành với tư cách một doanh nghiệp với mục tiêu đề ra.

Cho biết xu hướng của thế giới là tổ chức lại theo hướng sáp nhập các Sở giao dịch. Nhiều nơi còn tổ chức các sở giao dịch liên quốc gia để phù hợp với thể chế kinh tế toàn cầu, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng trong nước cũng cần đón lấy xu hướng này.

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân chỉ rõ, hiện dự thảo Luật mới chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong khi Sở này dự kiến tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con, như vậy là mới quy định về “mẹ” mà không quy định về “con”. Quyền và nghĩa của của Sở giao dịch chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người tham gia giao dich, là người dân nên cần phải được quy định rõ. Cùng với đó, sự phân chia thị trường chuyên biệt có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh ngay trong chính hệ thống Sở giao dịch chứng khoán cũng như nguy cơ về phân tán nguồn lực thu hút đầu tư thông qua thị trường.

Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định ở Điều 42 và Điều 45 của dự thảo Luật theo hướng trao quyền Thủ tướng Chính phủ quy định quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán nói chung, còn phần tầng Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các sở ở các điểm thành lập nên quy định cụ thể trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, khẳng định quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam đang thực hiện tiến độ tốt với mô hình hiện tại, vốn hóa thị trường lên đến 5.600.000 tỉ đồng, trong đó Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh đóng góp trên 85%. Khi tính toán xây dựng mô hình sở giao dịch chứng khoán cần phải có tính kế thừa những kết quả này. Hơn nữa, hiện nay tài khoản giao dịch của Việt Nam có khoảng 2.300.000 tài khoản nhà đầu tư, với khoản 30.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài nhưng nắm giữ 25% vốn. Điều này đòi hỏi phải thận trọng hơn nữa trong việc tổ chức thị trường chứng khoán.

Đại biểu đề nghị nên xem xét có thể quy định về Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019. Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn nhà nước, mà không nên quy định do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, cũng phân tích, hiện nay có 2 Sở giao dịch chứng khoán (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh) có tư cách pháp nhân độc lập, đang hoạt động và phát triển tốt. Nên nếu áp dụng như các nước, ghép 2 Sở này và tổ chức 1 sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt tại Hà Nội còn thành phố Hồ Chí Minh là chi nhánh, điều này sẽ kìm hãm sự phát triển. Do đo đại biểu đề nghị quy định theo hướng Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn nhà nước, mô hình công ty mẹ - công ty con. Các nội dung cụ thể khác sẽ trao cho Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, công ty không đại chúng được phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên cơ sở nghị quyết đại hội cổ đông mà không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là rủi ro lớn cho thị trường bởi có những công ty không đại chúng rất lớn. Đây cũng là khoảng trống pháp lý. Hiện nay các Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh chỉ nhận bản đăng kí vốn, còn doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường còn khoảng trống, dẫn đến nhiều vụ việc lừa đảo phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, cần có sự cân nhắc có quy định vào luật hay không, có sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các chứng khoán của các công ty không đại chúng hay không.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ rõ hiện nay còn 39/136 điều khoản (chiếm 23% tổng số điều khoản) chưa được cụ thể hóa, đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, quy định một cách cụ thể.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm tục tiếp thu và giải trình đầy đủ; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42474