Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

PTĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển...

PTĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.Trước đó, trong phiên họp khai mạc Kỳ họp, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Tiếp theo, Chính phủ đã có Tờ trình số 290/TTr-CP ngày 11/6/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, cụ thể hóa một số nội dung trong Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, đã được Tổng thư ký Quốc hội gửi các đại biểu qua hệ thống điện tử. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có báo cáo thẩm tra về các vấn đề có liên quan gửi Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu theo các vấn đề đã được nêu trong các Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra, nhất là các kiến nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.Phát biểu ngay tại phiên họp, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, khi kinh tế suy giảm, nguyên lý cơ bản là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng chi tiêu công và tăng cung ứng vốn để kích thích nền kinh tế, tăng cung. Tuy nhiên đại dịch Covid làm cho cả cung và cầu đều suy giảm; theo đại biểu việc nới lỏng mỗi chính sách cần phải có liều lượng phù hợp, phải đặt ra ngưỡng trần không được vượt qua, lường trước các rủi ro để điều hành.Đề cập tới chính sách miễn, giảm, giãn thuế. Để khắc phục khó khăn tạm thời, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, giãn thuế có hiệu quả tức thời thường hiệu quả hơn miễn thuế và không làm giảm thu ngân sách. Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi và không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn. Đại biểu đề nghị có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra. Bên cạnh đó, để bảo đảm dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả 2021.Về vấn đề thu - chi ngân sách, nhiều đại biểu cho biết, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên thu ngân sách giảm mạnh trong khi phải tăng chi để phòng chống dịch, khôi phục kinh tế nên cần sắp xếp lại chi và nới trần bội chi. Tuy nhiên hiện nay Chính phủ chưa trình phương án cụ thể để điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách làm căn cứ cho Quốc hội xem xét điều chỉnh dự toán thu, chi, bội chi ngân sách. Đồng quan điểm với nhận định của các đại biểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ cần điều hành phù hợp, không thể chi ngân sách như cũ khi thu ngân sách đang bị ảnh hưởng lớn như hiện nay; cần cập nhật kịp thời nguồn thu, khả năng vay để sắp xếp lại các nhiệm vụ chi trong đó ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp thiết. Việc kiểm soát giá cả, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý. Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách. Bên cạnh đó cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để công khai giá nhập khẩu vật tư, thiết bị, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân để có giá tham khảo, kiểm soát khi mua sắm bằng kinh phí ngân sách nhà nước, không để xảy ra các vụ việc như mua máy xét nghiệm chống dịch covid thời gian qua và cũng để kiểm tra, giám sát các mặt hàng do nhà nước bình ổn giá hoặc định giá để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Công khai minh bạch thông tin là cách để kiểm soát giá tốt nhất nên cần ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện.Theo chương trình làm việc của Quốc hội, Quốc hội sẽ dành 02 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 và thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202006/quoc-hoi-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-171305