Quốc hội thảo luận về việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh

Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam tham gia thảo luận tại phiên làm việc.

Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng Quốc gia đã được Quốc hội khóa XI thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH11 ngày 3/12/2004, dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013 Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết 66 với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô hai làn xe. Theo báo cáo của Chính phủ dự án đã hoàn thành khoảng 2.362km trên 2.744km. Với 86,1% dự án hoàn thành, tuyến đường Hồ Chí Minh đã tạo nên trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai ở khu vực phía Tây Tổ quốc; cùng với Quốc lộ 1 ở phía Đông tạo sự liên hệ chặt chẽ Bắc – Trung – Nam; bảo đảm giao thông cơ bản thông suốt, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển vùng đất giàu tiềm năng ở phía Tây; góp phần điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bổ lại dân cư và lực lượng lao động trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ thì dự án này không hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 66 đề ra.

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam tán thành và đánh giá cao sự thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và nguyên nhân dự án kéo dài nhiều năm không hoàn thành trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu, nhất là các nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân về huy động nguồn lực trong xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn phải có trọng tâm trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải.

Liên quan đến bố trí nguồn vốn đầu tư, theo kế hoạch của Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025 chưa bố trí nguồn vốn đầu tư cho hai đoạn trong kế hoạch 2021-2025. Một, đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn dài 28,5km với tổng mức đầu tư là 1.174 tỉ đồng. Hai, đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Qua, Vĩnh Thuận dài 55km với tổng mức đầu tư dự kiến 3.796 tỉ đồng; đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến dài 87km với tổng mức đầu tư dự kiến 5.200 tỉ đồng. Và sẽ nghiên cứu đầu tư theo mô hình cao tốc để triển khai trong giai đoạn 2026- 2030. Như vậy, đến hết năm 2025 dự án quan trọng Quốc gia vẫn không được thông tuyến theo đúng Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết: Qua nhiều lần tiếp xúc, cử tri vô cùng phấn khởi khi Quốc hội quyết định đầu tư tuyến đường quan trọng này và luôn mong muốn dự án được hoàn thành theo kế hoạch mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, cử tri rất băn khoăn khi dự án cũ do Quốc hội quyết định chưa hoàn thành nhưng ngay trong kỳ họp này Quốc hội lại đang xem xét quyết định đầu tư các công trình trọng điểm Quốc gia trong giai đoạn tới, liệu có lặp lại như dự án này hay không. Vì hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Quốc hội xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư ngay để hoàn thành đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến, Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Qua, Vĩnh Thuận. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu hết năm 2025 tuyến đường Hồ Chí Minh thông toàn tuyến theo Nghị quyết Quốc hội khóa XI đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của Nhân dân.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/quoc-hoi-thao-luan-ve-viec-trien-khai-du-an-duong-ho-chi-minh/184700.htm