Quốc hội thảo luận việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19
Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.
Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và xem video clip về kết quả giám sát nội dung này.
Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang trong quá trình khắc phục.
Cơ bản, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao với nội dung báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội. Phạm vi giám sát rộng, nhiều nội dung và số lượng số liệu cần tổng hợp, xử lý từ các bộ, ngành, địa phương lớn nhưng đã được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, cụ thể, chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, bà Hồ Thị Kim Ngân tham gia góp ý và đề xuất kiến nghị liên quan đến việc xử lý nợ vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19; về mô hình hệ thống y tế cơ sở; chính sách bảo đảm công bằng cho các đối tượng đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, liên quan đến việc nợ vật tư, sinh phẩm của một số địa phương trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Từ thực tiễn vướng mắc tại địa phương, đại biểu đã phản ánh và phân tích về những nguyên nhân của vướng mắc trên và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu có phương án xử lý dứt điểm tình trạng nợ vật tư, sinh phẩm trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.
Về hệ thống y tế cơ sở, qua nghiên cứu báo cáo kết quả giám sát và từ tình hình thực tế, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân rất đồng tình với đánh giá và kiến nghị của Đoàn giám sát là cần thiết phải có rà soát, thống kê, tổng hợp và phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập và có báo cáo tổng kết, đánh giá về việc thực hiện mô hình quản lý và chức năng nhiệm vụ của trung tâm y tế huyện trên địa bàn cả nước hiện nay và có lộ trình thực hiện cụ thể.
Bởi lẽ, hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa có sự ổn định và nhiều thay đổi, hiện nay mô hình quản lý cũng như chức năng, nhiệm vụ của TTYT cấp huyện chưa được thực hiện thống nhất trên cả nước, dẫn tới một số khó khăn trong công tác chỉ đạo, quản lý, thống kê, báo cáo…; việc không thống nhất trong duy trì Phòng Y tế cấp huyện hoặc đưa về Văn phòng HĐND - UBND huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý y tế trên địa bàn, dẫn đến khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ, do công chức không có chuyên môn và thực hiện kiêm nhiệm nhiều nội dung khác
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ chuyên môn cần có đề án, chương trình thực hiện để đánh giá được khách quan, toàn diện, qua đó xem xét có lộ trình xây dựng hệ thống y tế được thống nhất, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100% theo quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, đại biểu cho rằng cần xem xét, nghiên cứu đối tượng hưởng chính sách này cho phù hợp, bảo đảm công bằng cho các đối tượng đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Theo đại biểu, trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19 tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng diễn ra ở các tuyến, các cơ sở y tế phải huy động tăng cường tất cả công chức, viên chức ngành y đều phải trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, không có phân biệt đối tượng đang hưởng phụ cấp nghề 30% hay 40% (đi trực chốt kiểm dịch tại địa bàn giáp ranh tỉnh khác; phân luồng tại cổng bệnh viện để phát hiện người mắc Covid-19; làm nhiệm vụ ở khu cách ly phòng chống dịch, lấy mẫu, tham gia tiêm vaccin phòng bệnh tại đơn vị và hỗ trợ các xã tiêm phòng Covid-19…),
Nhưng đến khi có chính sách hỗ trợ lại có sự phân biệt về đối tượng thụ hưởng, quy định: Áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% được áp dụng đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40-70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP; còn các đối tượng khác là công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (như truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình; viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế...) đang hưởng 30% phụ cấp ưu đãi nghề thì không được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề này./.