Quốc hội thảo luận việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Quốc hội dành toàn bộ thời gian ngày làm việc hôm nay 30/10 để tiến hành phiên giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau khi nghe báo cáo của Đoàn giám sát và xem video clip về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường. Thành viên Chính phủ có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 3 đã quyết định giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Đến nay, Đoàn giám sát đã hoàn thành nội dung, kế hoạch giám sát, bảo đảm theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Báo cáo giám sát đầy đủ của Đoàn Giám sát trình Quốc hội gồm 103 trang và báo cáo tóm tắt 12 trang.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng).
Ngoài chính sách chung, Chương trình còn có 6 chuyên đề trọng tâm và thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng (trong đó: ngân sách trung ương 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng).
Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng, (trong đó vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 54.323 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.967 tỷ đồng).
Chương trình gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là các Chương trình mục tiêu), có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp.
Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các Chương trình đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đoàn giám sát đã chuẩn bị kỹ từ kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, thành lập, phân công tổ giúp việc, các tổ, đoàn công tác, tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương.
Quá trình giám sát, Đoàn Giám sát đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội (đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự tham gia của các cơ quan Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, thể hiện tình thần đồng hành, giám sát để kiến tạo của Quốc hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt; các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng, nỗ lực chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ hoạt động giám sát, đồng thời tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.