Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020
Chiều ngày 12/11/2019, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với 451/453 đại biểu tham gia tán thành, chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300.000 triệu đồng; Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100.000 triệu đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2020 là 488.921.352 triệu đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước được thông qua là 234.800.000 triệu đồng, tương đương 3,44% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 217.800.000 triệu đồng, tương đương 3,2% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 17.000.000 triệu đồng, tương đương 0,24% GDP.
Quốc hội cũng thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Trong đó, điều chỉnh cơ cấu vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của hai Chương trình mục tiêu quốc gia, tăng vốn ngoài nước và giảm vốn trong nước tương ứng là 3.580.200 triệu đồng.
Đồng thời, bổ sung 241.021 triệu đồng cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí số vốn tương ứng trong dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2020 để thu hồi vốn ứng trước.
Quốc hội thống nhất hòa chung số vốn 4.069.000 triệu đồng còn lại chưa phân bổ trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với nguồn dự phòng chung của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao Chính phủ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước năm 2020; cơ cấu lại các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, tăng cường quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, cải cách, hiện đại hóa ngành thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.
Cùng với thu ngân sách, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm...
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương, hàng năm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước luôn ưu tiên, bố trí đủ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Theo đó, Chính phủ đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với phương án bố trí ngân sách bảo đảm theo hướng ưu tiên như trên. Cụ thể, chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã đạt khoảng 16% tổng chi ngân sách nhà nước, song tổng chi giáo dục - đào tạo, gồm chi thường xuyên, chi đầu tư và chi giáo dục - đào tạo trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng hằng năm cơ bản đã đạt khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước, đúng theo Nghị quyết của Trung ương.
Đối với từng địa phương, dự toán chi về giáo dục - đào tạo được giao trên cơ sở quy mô về giáo dục - đào tạo và thực tiễn địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi giáo dục - đào tạo ở địa phương phải bảo đảm mức Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao.