Quốc hội thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao
Ngày 22-11, với tỷ lệ tán thành cao (91,72% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Luật gồm 8 chương, 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ.
Về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, Luật quy định: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ là: Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Điều 5 về nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; Điều 15 về tổ chức Dân quân tự vệ đều với 91,72% đại biểu tán thành.
Điều 5 quy định nhiệm vụ của Dân quân tự vệ là: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức; Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật...
* Trước đó, trong quá trình thảo luận, về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình (Điều 8), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định “nếu tình nguyện tham gia thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và đến hết 45 tuổi đối với nữ” tại khoản 1 để tránh áp dụng tùy nghi, có thể gây khó khăn khi thực hiện.
Nói rõ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định: Dự thảo Luật giữ nguyên độ tuổi và trường hợp kéo dài như Luật Dân quân tự vệ là phù hợp với thực tiễn. Quy định “nếu tình nguyện tham gia thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và đến hết 45 tuổi đối với nữ” nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn để tổ chức Dân quân tự vệ tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa và ở một số cơ quan, tổ chức ít biến động về biên chế, đồng thời tạo điều kiện cho công dân có nguyện vọng tiếp tục phục vụ trong lực lượng Dân quân tự vệ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị quy định đối với xã trọng điểm quốc phòng, an ninh, xã biên giới nên bố trí Chỉ huy trưởng do sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm cho phù hợp với tình hình hiện nay; có ý kiến đề nghị quy định Phó chỉ huy trưởng là cán bộ chuyên trách để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tại Báo cáo số 454/BC-UBTVQH14 ngày 16-10-2019. Thực tế hiện nay, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã tại xã trọng điểm quốc phòng, an ninh vẫn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với nhiều xã biên giới, hiện nay đã được tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm một số chức danh trong cấp ủy Đảng và chính quyền cấp xã. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Mặt khác, có ý kiến đề nghị quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan dự bị nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ đến niên hạn thì được thăng quân hàm cao hơn theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, vì không được xếp vào đơn vị dự bị động viên cho tương xứng với trần quân hàm của Trưởng Công an xã là Trung tá.
Tiếp thu ý kiến trên, để có căn cứ pháp lý cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thăng quân hàm sĩ quan dự bị và trần quân hàm cao nhất đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung điểm a vào khoản 2 Điều 49 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 41 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như sau: “Căn cứ vào nhu cầu biên chế, tiêu chuẩn chức vụ của sĩ quan, kết quả học tập quân sự và thành tích phục vụ quốc phòng, sĩ quan dự bị được bổ nhiệm chức vụ trong các đơn vị dự bị động viên hoặc giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được thăng cấp bậc quân hàm tương xứng với chức vụ đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với sĩ quan dự bị đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã”.
Điều 8. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình
1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Toàn bộ Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) tại đây: luat dan quan tu ve sua doi.doc