Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Chiều 28-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Trình bày báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến băn khoăn về việc khi luật này được ban hành có thể làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước; do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng và hoàn thiện các quy định có liên quan của dự thảo Luật nhằm bảo đảm cân đối nguồn lực, bao gồm cả tài chính, cơ sở vật chất và con người.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sau khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở. Theo báo cáo của Chính phủ, với việc hình thành tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đồng ý với nội dung Chính phủ giải trình. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật thông qua.

Một số ý kiến đề nghị quy định khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng cho lực lượng này hoặc quy định khung theo vùng, miền. Có ý kiến cho rằng, đây là lực lượng tự nguyện, tự quản do cộng đồng thành lập nên do cộng đồng đóng góp để chi trả, không được sử dụng ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, nếu quy định “cứng” trong luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng và hoặc quy định khung mức tối thiểu chi hỗ trợ đối với lực lượng này sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.

 Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của luật.

Về ý kiến đề nghị cộng đồng đóng góp để chi trả cho lực lượng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bảo vệ an ninh trật tự là nhiệm vụ của nhà nước và lực lượng này được chính quyền thành lập để hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh trật tự, nên phải được ngân sách nhà nước bảo đảm.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Tham gia biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 463 đại biểu, chiếm 93,72% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong đó có 386 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 78,14% tổng số đại biểu Quốc hội; 61 đại biểu biểu quyết không tán thành, chiếm 12,35% tổng số đại biểu Quốc hội; 16 đại biểu không biểu quyết, chiếm 3,24% tổng số đại biểu Quốc hội.

THÙY LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/quoc-hoi-thong-qua-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-753340